1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Học sinh vùng tâm chấn động đất tập chui gầm bàn, tháo chạy ngày khai giảng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, nhiều trường ở vùng tâm chấn huyện Kon Plông, Kon Tum đã tập huấn cho giáo viên, học sinh những kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra.

Sáng 5/9, hơn 170.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến trường dự lễ khai giảng năm học 2024-2025.

Khác với học sinh trong cả nước, học sinh vùng tâm chấn huyện Kon Plông (Kon Tum) đã được thầy cô giáo hướng dẫn diễn tập giả định về các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra.

Học sinh vùng tâm chấn động đất tập chui gầm bàn, tháo chạy ngày khai giảng - 1

Các trường trên địa bàn huyện Kon Plông đều tổ chức dạy học sinh các kiến thức ứng phó khi động đất xảy ra (Ảnh: Chí Anh).

Sau buổi lễ khai giảng năm học mới, học sinh Trường Tiểu học Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) vào lớp ngồi ngay ngắn, đúng vị trí. Khi nghe tiếng chuông cảnh báo giả định có động đất, cô giáo và học sinh các lớp nhanh chóng núp dưới gầm bàn. Sau đó, tất cả học sinh xếp hàng chạy ra ngoài sân trường theo hướng dẫn của giáo viên.

Theo cô Triệu Thị Yêu, giáo viên Trường Tiểu học Măng Đen, các học sinh trong lớp đều được hướng dẫn, tập huấn thuần thục những kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra. Học sinh lớp 1 còn bỡ ngỡ nên giáo viên phải hướng dẫn, thực hiện mẫu nhiều lần để các em làm theo.

Học sinh vùng tâm chấn động đất tập chui gầm bàn, tháo chạy ngày khai giảng - 2

Học sinh diễn tập tình huống giả định khi động đất xảy ra (Ảnh: Chí Anh).

Ngày khai giảng năm học mới 5/9, trên địa bàn huyện Kon Plông cũng ghi nhận trận động đất với độ lớn 3.6 độ.

Thầy và trò vùng tâm chấn xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) không còn hoang mang, lo lắng như trước đây.

Thầy Phan Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Tăng, chia sẻ: "Năm học 2024-2025, trường có 517 học sinh thuộc 2 cấp học. Trước thềm năm học mới, nhà trường đã sắm sửa thêm vật dụng sinh hoạt và sửa chữa những hư hỏng trong các phòng học. Đồng thời, nhà trường đã tập huấn kỹ kiến thức về động đất và cách ứng phó, bảo vệ bản thân cho từng học sinh".

Theo thầy Nam, trước tần suất liên tục của các trận động đất xảy ra hàng ngày, thầy và trò trong trường đều đón nhận như một hiện tượng của thiên nhiên. Nhìn chung, học sinh và người dân ở vùng tâm chấn này không còn tâm lý hoang mang như nhiều năm trước.

Học sinh vùng tâm chấn động đất tập chui gầm bàn, tháo chạy ngày khai giảng - 3

Khi được tập huấn những kiến thức ứng phó với động đất, học sinh vùng tâm chấn không còn hoảng loạn mỗi khi cảm nhận được sự rung chấn (Ảnh: Chí Anh).

Thầy Ngô Quang Khanh, giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Tăng, chia sẻ: "Năm 2021, nghe động đất, mọi người đều hoang mang. Trải qua nhiều năm, mọi người cũng thấy bình thường dần. Dịp nghỉ hè vừa qua, học sinh và người dân trong xã đã được Viện Vật lý địa cầu tập huấn những kỹ năng cần thiết để ứng phó khi có động đất xảy ra".

Ông Lê Văn Đồng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, nói: "Trước thềm năm học 2024-2025, ngành giáo dục huyện xây dựng phương án, phối hợp với các đơn vị chức năng, đến các trường để trang bị những bị kỹ năng ứng phó với động đất cho học sinh và đội ngũ giáo viên. Phòng luôn thực hiện kiểm tra học sinh về kiến thức được trang bị trong các buổi diễn tập. Ban đầu, các em đều nắm vững những cách ứng phó khi động đất xảy ra".

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Plông, Kon Tum đã ghi nhận hơn 700 trận động đất.

Mỗi đêm, người dân vùng tâm chấn ở các xã: Đăk Tăng, Đăk Rinh, Đăk Nên… (Kon Plông) đều cảm nhận rung lắc. Nhiều trận động đất mạnh khiến nhà cửa, công trình ở vùng tâm chấn bị hư hại, nứt gãy.