"Hoàng Sa chỉ mất khi chúng ta vĩnh viễn quên đi"
(Dân trí) - Sáng 19/1, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo lần thứ 2 lấy ý kiến góp ý đề cương trưng bày Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng cho biết, hôm nay là ngày 19/1/2016 - tức 42 năm kể từ ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa của Việt Nam. Đối với người Đà Nẵng, ngày nào cũng là 19/1. Cách đây 2 ngày Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã làm một việc làm hết sức ý nghĩa là tổ chức đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn.
“Có thể nói, đất nước được giải phóng, non sông thu về một mối nhưng riêng với Đà Nẵng, còn nguyên một huyện đang bị nước ngoài chiếm đóng. Đây là nỗi đau của chúng ta”, ông Tiếng nói.
Ông Tiếng cũng nhận định: "Hoàng Sa chỉ mất khi chúng ta vĩnh viễn quên đi. Còn còn nhớ là không mất".
Tại hội thảo, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện (Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng) giới thiệu đề cương tóm tắt Nhà trưng bày Hoàng Sa. Theo đó, Nhà trưng bày Hoàng Sa có 3 tầng với diện tích 404m2. Nội dung trưng bày tập trung vào giới thiệu các tài liệu về Hoàng Sa thuộc 5 chủ đề.
Chủ đề thứ nhất là vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, có chức năng cung cấp những thông tin khái quát về quần đảo Hoàng Sa và mang đến cho du khách tham quan những thông điệp đầu tiên về cảnh quan tự nhiên, lịch sử hình thành và phát triển của Hoàng Sa, gợi mở và định hướng tham quan, khám phá nội dung của các chủ đề trưng bày tiếp theo.
Chủ đề 2 là "Bằng chứng chủ quyền của Việt nam đối với Hoàng Sa – thời các chúa Nguyễn". Phần này sẽ giới thiệu chặng đường lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam kéo dài khoảng 2 thế kỷ, từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, tuyển chọn những bằng chứng đắt giá nhất xuất hiện trong 2 thế kỷ này, kể cả của Đại Việt, của phương Tây và của chính Trung Quốc để đưa vào trưng bày. Điểm nhấn của phần này là bản đồ đầu tiên do người Việt vẽ và các văn bản hành chính liên quan đến Đội Hoàng Sa…
Chủ đề 3 là "Hoàng Sa thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802 – 1945)". Chặng này kéo dài khoảng 1,5 thế kỷ, từ đầu thế kỷ 19 đến năm 1945, tuyển chọn những bằng chứng xuất hiện trong thời gian này, kể cả của Đại Nam, của phương Tây và của chính Trung Quốc. Chú ý những bằng chứng thời Minh Mạng và những bằng chứng trong giai đoạn người Pháp xâm lược Việt Nam – đại diện Nam triều tiếp tục thực thi chủ quyền của Đại Nam với Hoàng Sa, kể cả những bằng chứng liên quan đến những người Việt từng công cán ở Hoàng Sa thời gian này.
Chủ đề 4 là "Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa (1945 – 1975)". Chặng này kéo dài khoảng 30 năm, từ sau khi giành được độc lập năm 1945 đến khi Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép vào năm 1974. Các nhà sử học tuyển chọn những bằng chứng xuất hiện trong 30 năm này, kể cả của Việt Nam – chủ yếu là Việt Nam cộng hòa, của phương Tây và của chính Trung Quốc. Chủ đề này tập trung giới thiệu nguồn ảnh tư liệu và các văn bản quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam cộng hòa giai đoạn 1954 – 1975.
Chủ đề 5 là "Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay", tuyển chọn những bằng chứng xuất hiện trong hơn 40 năm qua, kể cả của Việt nam, của phương Tây và của chính Trung Quốc. Chú ý đến những bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý, bằng chứng liên quan đến ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, kể cả về chiếc tàu cá Thanh Khê bị tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm vào năm 2014. Những tình cảm và lương tri của các chính khách, trí thức và nhân dân thế giới dành cho lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, trong đó không thể không thể hiện tấm ảnh chụp Thủ tướng Đức đang trao đổi với ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc về tấm bản đồ cổ khẳng định biên giới cực nam của Trung Quốc chỉ dừng ở đảo Hải Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Long (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho rằng, yêu cầu của nhà trưng bày là phải làm sao cho người ta thấy sự cưỡng chiếm của Trung Quốc đối với Hoàng Sa là phi lý. Trong cách thức tổ chức quản lý của Đà Nẵng, làm sao để nhà trưng bày này không chỉ là trách nhiệm của Đà Nẵng mà là của cả nước. Đó là biểu tượng của tình yêu Tổ quốc Việt Nam.
Ông Long cũng gợi ý, làm sao cho các địa phương khác cùng tham gia vào việc trưng bày Hoàng Sa đồng thời cũng nên tích cực tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế, đối với Hoàng Sa – Trường Sa nói chung và nhà trưng bày nói riêng.
PGS Ngô Văn Minh đề xuất nên đổi thành Nhà trưng bày chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và trong phần tiền sảnh nên có câu “Hoàng Sa bị chiếm không có nghĩa là Hoàng Sa đã mất”.
Một số hình ảnh về nhà Trưng bày Hoàng Sa:
Khánh Hồng