Hoằng Hóa báo giảm gần 300 tỷ đồng, Thanh Hóa vẫn thiệt hại 980 tỷ do bão

(Dân trí) - Dù huyện Hoằng Hóa sau 3 lần báo cáo đã giảm gần 300 tỷ đồng thiệt hại do bão số 10 gây ra, tuy nhiên tại báo cáo Thủ tướng về tình hình thiệt hại sau bão, con số thiệt hại của tỉnh Thanh Hóa vẫn lên đến 980 tỷ đồng.

Theo đó, tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ số 11514/UBND-NN ngày 22/9/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh này bị thiệt hại 980 tỷ đồng do cơn bão số 10 gây ra.

Cụ thể, có 3 người tử vong do bão, 2 người bị thương, 30 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 10 căn nhà bị thiệt hại 30-70%; gần 1000 căn nhà bị ngập nước…

Về nông nghiệp, lâm nghiệp: Loại thiệt hại 70% trở lên gồm lúa gần 350 ha; ngô hơn 50 ha; cây ăn quả 123 ha.. cây lâm nghiệp gãy đổ 1,5ha; cây ngập mặt 1,4ha; cây xanh đô thị gãy đổ gần 1.400 cây…

Đoạn sạt lở ven biển Hải Tiến huyện Hoằng Hóa
Đoạn sạt lở ven biển Hải Tiến huyện Hoằng Hóa

Có hơn 257 ha thủy sản bị thiệt hại trên 70%; đê bao, bờ bao nuôi trồng thủy sản bị sạt lở 80.000m3; đê bao bờ nuôi thủy sản bị cuốn trôi 2,6km; bến cá bị sạt lở 30.000 m3; nhà trông coi nuôi trồng thủy sản hư hỏng 63 căn.

Bên cạnh đó, có hơn 100 gia súc chết, hơn 4.000 gia cầm bị chết và cuốn trôi. Một số tuyến đê sạt lở như đê sông Mã cấp III-I thuộc phường Hàm Rồng và xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa và một số tuyến đê cấp IV thuộc huyện Tĩnh Gia, Hà Trung…

Một số tuyến Quốc lộ như 217B, 15,15C, 16, 217,47… thuộc các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát….bị xói trôi, sình lún nhiều đoạn, diện tích hơn 12m3; đường tỉnh thuộc Vĩnh Lộc, Thường Xuân, Bá Thước bị xói trôi, sình lún 16.000m3; đường ven biển và kè tại khu du lịch sạt lở, hư hỏng 4,8km (Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa; vỉa hè đường Hồ Xuân Hương (Sầm Sơn) 0,3km….

Một số thiệt hại khác như nhà xưởng, xí nghiệp bị hư hỏng 6 cái, biển quảng cáo 75 cái, hơn 1000 tường rào đổ sập…

Tại báo cáo, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất xử lý khẩn cấp tuyến đê kè chống sạt lở bờ biển Khu du lịch sinh thái Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa dài 4,5km bị cuốn trôi do bão với kinh phí 80 tỷ đồng.

Xử lý khẩn cấp các công trình đê điều, bãi sông sạt lở do mưa, lũ với kinh phí 40 tỷ đồng; xử lý các tuyến Quốc lộ bị hư hỏng với kinh phí 15,6 tỷ đồng; xử lý các tuyến đê bao nuôi trồng thủy sản với kinh phí 20 tỷ đồng; hỗ trợ 14,4 tỷ đồng cho các hộ dân có cây trồng vật nuôi thiệt hại.

Báo cáo thiệt hại của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Thủ tướng chính phủ
Báo cáo thiệt hại của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Thủ tướng chính phủ

Trước đó Dân trí cũng đã thông tin, dù bão không trực tiếp đổ bộ vào Thanh Hóa tuy nhiên tại báo cáo nhanh của UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh này cho biết thiệt hại do bão số 10 khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó huyện Hoằng Hóa con số thiệt hại lên đến gần 900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mới đây nhất, huyện này lại báo cáo mức độ thiệt hại giảm gần 300 tỷ đồng, chỉ còn 640 tỷ đồng.

Trả lời về việc số liệu báo cáo thiệt hại có thay đổi, chênh lệch lớn, ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, cho rằng "dù báo cáo sai hay đúng thì cũng có được cái gì đâu, có được thì được cho dân thôi…".

Nguyên nhân của các con số chênh lệch được vị này cho biết là do nhiều đồng nuôi tôm tưởng là còn tôm nên thống kê thiệt hại, nhưng sau đó rà soát lại thì được biết nhiều nơi đã thu hoạch tôm trước bão.

Ngoài ra, tại TP Sầm Sơn, đoạn ven biển đường Hồ Xuân Hương, khu vực trước khách sạn Vũ Sơn, không phải khi bão vào mới bị sạt lở mà điểm này đã bị sạt lở, xâm thực rất lâu rồi nhưng cũng vẫn được TP này thống kê trong báo cáo thiệt hại sau bão.

Bình Minh