Kiên Giang:
Hàng chục ngàn ha lúa “chết mòn” vì hạn, mặn
(Dân trí) - Tính đến ngày 25/1, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có trên 30.000 ha lúa bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, trong đó có hơn 17.000 ha lúa mùa bị mất trắng 100% nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con nông dân, vì đây là vụ mùa chính trong năm.
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN & PTNT tỉnh Kiên Giang (25/01) cho biết, trong vụ mùa (trồng lúa mùa) 2015 – 2016 đã xuống giống hơn 60.000 ha lúa; vụ mùa đông xuân đã xuống giống trên 300.000 ha đạt 98, 59%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã làm hàng ngàn ha lúa bị thiệt hại.
Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, thời tiết nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn sâu đã làm thiệt hại nặng nề hơn 30.000ha lúa mùa và đông xuân. Diện tích bị thiệt hại chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, cụ thể: Huyện An Biên 1.000ha (đông xuân) và trên 3.000ha lúa mùa; U Minh Thượng 200ha (đông xuân) và 7.400 ha vụ lúa mùa; Riêng huyện Vĩnh Thuận và huyện An Minh trong vụ đông xuân chưa xảy ra hiện tượng thiếu nước nhưng có trên 20.000 ha lúa mùa bị ảnh hưởng vì hạn mặn.
Nông dân Trần Văn Quý – huyện Vĩnh Thuận cho biết, gia đình anh có hơn 5 công đất (5.000m2) trồng lúa, trong giai đoạn đầu lúa phát triển bình thường tuy nhiên đến giai đoạn trổ thì một diện tích lớn lúa trổ bông những bị lép. Nguyên nhân chính là tình trạng khô hạn và ngập mặn nên ngăng suất vụ này ước đạt khoảng 3 tấn lúa.
Theo anh Quý cho biết, không chỉ gia đình anh mà còn nhiều hộ khác ở Vĩnh Thuận bị ảnh hưởng do hạn mặn và thiếu nước, có nhiều hộ bị mắt trắng. Do vậy, nhiều người dân có lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng xem như không có Tết.
Ông Trần Văn Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Tây Yên (huyện An Biên) cho biết, năm nay tình trạng hạn, mặn về sớm hơn mọi năm nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến bà con nông dân, nhất là những hộ dân trồng lúa. Hiện Đảng ủy đã chỉ đạo ủy ban thống kê số hộ bị ảnh hưởng để đề xuất với lãnh đạo huyện có hỗ trợ kịp thời để những hộ ảnh hưởng nặng có vốn tái sản xuất và ăn Tết đầm ấm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tượng EL Nino sẽ còn ảnh hưởng kéo dài đến tháng 6/2016, tình hình khô hạn, xâm ngập mặn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu của toàn bộ Vùng U Minh Thượng và một phần của huyện Gò Quao với diện tích hơn 12.500 ha và 5.000 ha ở huyện Giang Thành.
Để đối phó với trình trạng hạn mặn nêu trên, ông Trần Quang Củi – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo trước mắt là tiến hành quản lý, vận hành tốt việc đóng mở hệ thống cống trên tuyến đê biển ngăn mặn – giữ ngọt; thường xuyên kiểm tra, triển khai giải pháp khắc phục ngay các điểm xâm ngâp mặn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt vùng nông thôn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình theo kế hoạch năm 2015 để sớm đưa vào khai thác, tạo nguồn nước tưới cho sản xuất. Các dự án, công trình thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác ngăn mặn, bảo vệ sản xuất. Mặt khác, người dân cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi dịch bệnh, thiên tai để phối hợp với ngành chức năng có những biện pháp kịp thời xử lí.
Ngoài ra, ông Củi cũng thông tin thêm, trước tác động tiêu cực của vấn nạn hạn mặn đến việc sản xuất vụ lúa đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đang thống kê thiệt hại, trình UBND tỉnh để công bố thiên tai, từ đó mới có thể làm thủ tục hỗ trợ tiền cho bà con theo quy định. Nếu bị thiệt hại năng suất từ 70% trở lên sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để người dân có vốn tái sản xuất.
PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) nhận định: Tình trạng xâm nhập mặn cũng như khô hạn kéo dài là do tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Tác động này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành nông nghiệp, đời sống người dân... Do vậy ở những vùng bị ảnh hưởng phải nghiên cứu và gieo trồng giống cây chịu được hạn, mặn. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống ngăn mặn, trang bị máy đo độ mặn cho cả người dân nông thôn. Riêng người dân tận dụng mọi điều kiện để trữ nước ngọt và sử dụng tiết kiệm, thường xuyên thăm đồng để phối hợp với cơ quan chưng đối phó với thiên tai, dịch bệnh.
Nguyễn Hành