1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM:

Hình ảnh những hàng quán "tê liệt" vì dịch bệnh

(Dân trí) - “Khi thành phố còn phức tạp về diễn biến dịch Covid-19, bây giờ đóng cửa hàng thêm một ngày để tương lai được mở cửa dài lâu”, bảo vệ một quán ăn ở quận 1 chia sẻ về việc đóng cửa quán chống dịch.

Nhiều hàng quán đóng cửa vì dịch bệnh.

“Bây giờ mở cửa tiếp tục, nguy cơ bùng phát dịch như quán bar Buddha ở quận 2 thì sẽ khốn đốn hơn. Lúc này, điều cần nhất chính là góp một chút sức, hy sinh một phần lợi ích cùng kiểm soát dịch bệnh sẽ là điều nên làm nhất. Tuy có chút xáo trộn khi chỗ làm mình đóng cửa nhưng tôi tin mọi người sẽ cùng vượt qua lúc khó khăn như thế này”, ông Nguyễn Văn Thịnh - người bảo vệ 55 tuổi chia sẻ. 

TPHCM thực hiện nghiêm chỉ đạo đóng cửa tất cả các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phòng gym, tiệm tóc... Các khu trung tâm đều khá vắng vẻ, chủ quán lẫn nhân viên đều khá buồn bã khi phải tạm dừng hoạt động. 

Ngày 25/3, PV Dân trí ghi nhận tại các khu vực đường Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Trần Hưng Đạo, Bùi Viện... các hàng quán đều đóng cửa im lìm. Một không gian tĩnh lặng chưa từng có ở TPHCM trong những năm qua. Khu trung tâm ở TPHCM những ngày nghỉ lễ, Tết cũng chưa khi nào vắng vẻ như  bây giờ. 

Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê hôm nay mới dọn dẹp xong và treo bảng nghỉ bán để phòng ngừa dịch Covid-19. Vẻ mặt buồn bã hiện rõ trên khuôn mặt cả chủ quán lẫn nhân viên nhưng hết thảy đều lạc quan đẩy lùi dịch Covid-19 khi cả thành phố đồng lòng.

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 1
Dãy hàng quán đóng cửa trên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh
Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 2
Một quán xếp gọn bàn ghế đóng cửa dài ngày thuộc quận 8
Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 3

Bảng thông báo của một tiệm tóc.

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 4
Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 5
Khuyến khích khách hàng đặt từ xa và “kích cầu” bằng khẩu trang của một quán phở ở quận 5
Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 6
“Buồn lắm, nghỉ hai tháng không lương, nhưng điều quan trọng bây giờ là cùng chung tay chống dịch. Chỗ em gần ổ dịch quận 8 nên cũng sợ lắm, cố cho qua đại dịch thôi ạ”, nhân viên một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 tâm sự
Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 7
Một thánh thất ở quận 1 thông báo tạm dừng tiếp nhận khách tham quan

"Tụi em dọn dẹp hết hôm nay rồi mai về quê nghỉ ngơi anh ạ. Cứ tình hình này không biết khi nào mới đi làm lại. Dù rất buồn và chắc chắn sẽ khó khăn trong cuộc sống thời gian tới nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng mình phải chấp nhận. Em mong sao TPHCM và cả nước nhanh chóng ngăn ngừa được dịch Covid-19 để đời sống người dân trở lại bình thường. Chưa năm nào mà thời gian này được nghỉ để về quê cả, nó cũng là dịp để mình có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình", Nguyễn Thu Hoan (quê Cần Thơ) chia sẻ.

Anh Nguyễn Đông Toàn - Chủ một nhà hàng tại quận 1 (TPHCM) cho biết đã cho 2/3 số nhân viên nghỉ làm và chuyển sang hoạt động kinh doanh giao hàng tận nơi, mua mang đi, không ngồi lại.

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 8

Quán không có khách nhưng nhân viên vẫn phục vụ bán hàng online.

"Chi phí mặt bằng quá lớn nên nếu nghỉ lâu dài thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Sau khi lấy ý kiến của các nhân viên, chúng tôi đã quyết định chuyển sang kinh doanh take away. Nhu cầu ăn uống của người dân TPHCM còn rất nhiều nên tôi nghĩ take away sẽ là hình thức phù hợp trong lúc này. Các nhân viên của tôi cũng được trang bị kiến thức, đồ bảo hộ để phòng ngừa virus corona", quản lý một nhà hàng chia sẻ.

Thay đổi hình thức kinh doanh, vượt qua đại dịch corona

Thay đổi hình thức kinh doanh, vượt qua đại dịch corona

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 10
Một nhân viên đang phun xịt khử trùng cơ sở kinh doanh của mình

Không may mắn như anh Toàn, chị Hòa (ngụ Bình Thuận) đã phải đóng cửa 2 quán cà phê để về quê phòng dịch. "Hai quán cà phê của tôi đều ở khu trung tâm, thường ngày rất nhiều khách du lịch ghé quán nên khả năng lây lan dịch bệnh khi lỡ có khách nhiễm Covid-19 là có thể. Tôi quyết định cho nhân viên nghỉ để về quê cho an tâm, sức khỏe là quan trọng, tiền năm nay không kiếm được thì sang năm kiếm thêm. Tôi vẫn trả lương cho nhân viên trong 1 tháng tới. Tôi và các doanh nghiệp đều mong Việt Nam sớm kết thúc dịch bệnh để hoạt động kinh doanh bình thường". 

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 11
Một cửa hàng ở quận 1 tự trang bị buồng khử khuẩn trị giá 15.000.000 đồng
Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 12

“Năm nay khấn có thêm phần nhanh hết dịch corona, chưa bao giờ thấy cảnh này, mong là qua thật nhanh”, người đang hoá vàng này chia sẻ.

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 13
Các spa, tiệm làm tóc cũng đóng cửa chờ thông báo của lãnh lạo thành phố

Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên); CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP kể từ 18h ngày 24/3/2020 đến hết ngày 31/3/2020 để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống Covid-19.

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 14

Thanh Hóa hỏa tốc yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở cung cấp dịch vụ giải khát, cà phê, trà chanh, giải khát vỉa hè...

Theo Sở Y tế Thanh Hóa, mới đây, tại khu cách ly tập trung của Sư đoàn 390, Quân đoàn I tại thị xã Bỉm Sơn có 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp này đã được chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Đông Anh, Hà Nội để theo dõi, điều trị. 

Để đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn hiệu quả, tránh lây lan ra cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, các huyện, thị xã và thành phố hạn chế tối đa việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện tập trung đông người.

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 15
Tạm dừng các dịch vụ spa, gội đầu, tập gym, thể thao, khiêu vũ, yoga có tập trung đông người và các dịch vụ không cần thiết khác…

Yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng.

Từ 0h ngày 26/3, tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở cung cấp dịch vụ giải khát, cà phê, trà chanh bụi phố, trà đá, trà chén, giải khát vỉa hè, các dịch vụ spa, gội đầu, tập gym, thể thao, khiêu vũ, yoga có tập trung đông người và các dịch vụ không cần thiết khác… cho đến khi có thông báo cho hoạt động trở lại.

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 16
Nhiều quán karaoke trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đóng cửa phòng, chống dịch.

Các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống phải bố trí các suất ăn riêng cho từng người; sắp xếp người ngồi ăn cách nhau tối thiểu 2 m hoặc có vách ngăn giữa những người ăn; người phục vụ phải mang khẩu trang khi làm việc và yêu cầu khách hàng phải mang khẩu trang khi gọi suất ăn.

Khuyến khích việc mua, giao hàng tại nhà hoặc mua đồ ăn, uống mang về sử dụng tại nhà.

Đề nghị các tổ chức tôn giáo vận động các tín đồ tu hành tại gia, không tiến hành các nghi lễ tập trung đông người trong thời gian có dịch. Vận động, tuyên truyền cho đồng bào có đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.

Hình ảnh những hàng quán tê liệt vì dịch bệnh - 17
Chùa Tăng Phúc (phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa), đóng cửa, tạm dừng đón khách tới dâng hương, đi lễ, tham quan từ ngày 13/3.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo trên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

UBND tỉnh Long An vừa ban hành Công văn số 1507/UBND-VHXH về việc tạm dừng hoạt động các điểm vui chơi, giải trí để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo toàn tỉnh tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí và các dịch vụ tập trung đông người trên địa bàn như spa (cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc), quán bar, quán rượu bia, phòng trà, câu lạc bộ (CLB) hát với nhau, CLB văn nghệ, CLB thể thao, CLB bida, phòng tập thể dục thẩm mỹ, phòng tập thể hình (gym), hồ bơi và các hình thức hoạt động thể thao khác tập trung đông người, nhất là cơ sở quảng cáo giới thiệu sản phẩm nằm trị bệnh.

Đồng thời, hạn chế các hoạt động kinh doanh dịch vụ ẩm thực ăn uống (khuyến cáo chỉ mang sản phẩm về nhà, không phục vụ trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh); tạm ngưng các hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu/điểm du lịch, các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh kể từ 18 giờ ngày 25/3/2020 cho đến khi có thông báo mới.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện theo dõi, kiểm tra giám sát và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện. 

UBND tỉnh đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế tổ chức tiệc cưới, hỏi, đám giỗ, liên hoan và các tiệc tụ tập đông người trong thời điểm này.

Cuối tuần trước, các cơ quan chức năng tại tỉnh Long An cũng đã vận động được 4 gia đình tạm hoãn đám cưới để phòng ngừa Covid-19. Một số đám cưới sau khi được tuyên truyền đã giảm số lượng khách mời, quy mô tổ chức để đảm bảo an toàn. 

Duy Tuyên - Xuân Hinh

 Phạm Nguyễn - Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm