1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hiểm hoạ từ việc nuôi chó Pit Bull

Gần đây, dân nuôi chó cảnh ở Hà Nội đua nhau săn lùng giống chó dữ làm vật nuôi. Bên cạnh giống chó bec-giê thì những con chó Pit Bull có nguồn gốc từ châu Mỹ, được mệnh danh là “sát thủ máu lạnh” sẵn sàng tấn công đối phương đến chết đang được ưa chuộng.

Những vết cắn bị chó tấn công có thể khiến nạn nhân bị nhiễm virus dại, thậm chí tử vong

Những vết cắn bị chó tấn công có thể khiến nạn nhân bị nhiễm virus dại, thậm chí tử vong

 

Tấn công đối phương đến chết

 

Với ngoại hình dữ dằn, khung xương vững chãi, cơ bắp săn chắc, vai trước vạm vỡ, đặc biệt là đôi mắt, sắc lạnh và lầm lì, nằm ở dưới cái trán to gồ, giống chó Pit Bull được nhiều dân chơi chó săn lùng và đặt biệt danh là chó chiến binh. Điều đáng nói, khi đã lâm trận, loài chó này còn “cuồng” hơn cả chó điên. Song nguy hiểm hơn, chó Pit Bull hiện nay đang được nhiều người nuôi dưỡng, huấn luyện sai cách có thể sẵn sàng tấn công một người nào đó đến chết.

 

Theo anh Nguyễn Tuấn Hùng, một người đam mê huấn luyện những giống chó dữ, ở phường Đức Giang, quận Long Biên, chủ nhân của những con chó Pit Bull phần lớn là dân chơi có máu mặt, bởi họ muốn coi Pit Bull như một một thứ vũ khí nguy hiểm để phòng thân. Nhiều người còn tin rằng, Pit Bull là loài chó không có cảm giác trước đau đớn, lỳ đòn nhờ vào hệ thần kinh thép. Điều này khiến loài chó này sẵn sàng tấn công bất cứ ai. Cũng bởi thế, chủ nhân của những con chó này thường gặp nhau ở một địa điểm nào đó để đấu chó nhằm chứng tỏ những chiến binh của mình là số một.

 

“Những người yếu tim không nên xem màn chọi chó này, bởi cả hai con đều be bét máu, thậm chí cắn xé nhau đến toạc cả thớ thịt. Nhiều khi chúng còn liếm máu tươi trên chính cơ thể mình. Thông thường, trong một trận đấu, chỉ khi đối thủ nằm xuống ngắc ngoải hoặc chết thì bên kia mới chịu dừng lại. Đến lúc ấy, chủ của con chó thắng cuộc mới lao vào dùng xích sắt tròng cổ nó lại để lôi ra…”, anh Nguyễn Tuấn Linh, chủ nhân một cặp chó Pit Bull cho hay.

 

Được biết con chó Pit Bull đầu tiên được du nhập về Việt Nam vào năm 2003. Để huấn luyện thành công một con chó Pit Bull ngoan ngoãn, nghe lời chủ không hề dễ dàng. Và để khiến nó thành một con chó chiến đấu càng công phu hơn. Muốn huấn luyện chúng, người chủ cũng phải có sức khỏe. Ngoài bơi, chó Pit Bull còn phải thường xuyên luyện tập những bài tập dẻo dai khác để tăng cường sức khỏe. Sự nguy hiểm và ham mồi của giống chó này thể hiện ở chỗ, đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm chỗ khác. Vết thương để lại sẽ rất sâu và rộng vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn, nhẹ có thể mang tật, nặng có thể mất mạng.

 

Trẻ em dễ bị tấn công

 

Theo bác sĩ thú y Nguyễn Hoàng Yến - Phòng khám thú y tại phường Quảng An, quận Tây Hồ - việc nhân giống tràn lan những con chó mà thần kinh của nó có vấn đề như giống chó Pit Bull được ví như những trái bom nổ chậm. Ở Mỹ, chó Pit Bull nằm trong danh sách 11 giống chó nguy hiểm và để sở hữu giống chó này, người nuôi sẽ phải chịu phí bảo hiểm cao hơn gấp nhiều lần so với các giống chó khác. Thậm chí, một số loài chó nuôi sẽ không thể tìm thấy cơ quan “chịu” cung cấp bảo hiểm bởi chúng quá hung dữ, và họ không muốn phải đương đầu với những vụ kiện lên tới hàng trăm nghìn đô la.

 

Mới đây, một bé gái 8 tuổi, ở huyện Chư Pah, Gia Lai trong lúc đang chơi đã bị một con chó bec-giê tấn công. Người đi đường đã phải xông vào dùng gậy đuổi con chó dữ ra để cứu bé đưa đi cấp cứu khi trên người, cổ cô bé có hàng chục vết chó cắn, dấu răng rất sâu. Cô bé nhập viện trong tình trạng liên tục ngất, tâm thần hoảng loạn. Trước đó, một con chó bec-giê 2 năm tuổi đã cắn xé đến chết một bé gái 8 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc khi ở nhà một mình. Đến giữa trưa, bà nội cô bé về không thấy cháu đâu đã đi tìm và hoảng hốt khi phát hiện chân cô bé thò ra từ chuồng chó đặt ở một góc sân nhà. Khi được hàng xóm giúp đỡ và đưa ra ngoài thì cô bé đã tắt thở.

 

Theo thống kê trong 110 trường hợp tử vong do chó dại cắn trên cả nước trong năm 2011 thì có đến hơn 40 nạn nhân dưới 14 tuổi. Vị trí mà trẻ thường bị chó tấn công là đầu, cổ và mặt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng là do trẻ 5-14 tuổi thường đùa nghịch với vật nuôi. Thêm nữa, chiều cao của cơ thể của nhiều trẻ chưa phát triển nên khi chó cắn thường bị thương ở các vị trí đầu cổ và mặt. Tại Việt Nam, hàng năm đều tổ chức hai chiến dịch tiêm phòng cho chó nhưng mới đạt 60% ở các thành phố lớn, 15% ở các vùng lân cận...

 

Bác sĩ Trần Thị Thu Hà - bệnh viện Bạch Mai - cho biết, khi trẻ em, kể cả người lớn bị chó cắn thì hậu quả về sức khỏe, tinh thần và thẩm mỹ do vết cắn của chó để lại là vô cùng nặng nề, bởi vết thương do chó cắn thường làm da bị xé rách nên dễ nhiễm các loại tạp khuẩn, đặc biệt là virus bệnh dại từ nước bọt và virus uốn ván từ móng của con chó. Những trường hợp bị chó cắn thường là trẻ em, vị trí bị tổn thương thường là vùng mặt nên rất nguy hiểm cho trẻ. Ngoài sự nguy hại về vị trí tổn thương, một điều đáng lo ngại nữa là bệnh dại. Nhiều trường hợp đau lòng đã tử vong do thiếu hiểu biết trong phòng ngừa và điều trị sau khi trẻ bị chó cắn. Với giống chó nguy hiểm như Pit Bull, nếu không quản lý chặt chẽ và nuôi đúng cách sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho chính chủ nhân của chúng mà còn đối với cộng đồng.

 

Theo Ngọc Bảo
 
An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm