Hậu Giang chốt phương án thiết kế cầu Nguyễn Chí Thanh, trị giá 1.600 tỷ đồng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã họp thông qua phương án kiến trúc cầu Nguyễn Chí Thanh bắc qua kênh Xà No tại thành phố Vị Thanh. Bản thiết kế mang tên "Quăng chài kéo lưới".

Phương án kiến trúc cầu Nguyễn Chí Thanh được lựa chọn cũng là phương án giành giải nhất trong cuộc thi tuyển do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Nhóm tác giả đến từ Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế ADA và Cộng sự (CCU - ADA).

Theo phương án được phê duyệt, cây cầu Nguyễn Chí Thanh có chiều dài 390m, rộng 29m, nối đường Nguyễn Chí Thanh ở bờ nam với đường 19/8 ở bờ bắc kênh xáng Xà No. Cầu đồng thời bắc ngang qua hai đường lớn ven kênh là đường Trần Hưng Đạo và đường Nguyễn Huệ.

Tổng vốn đầu tư công trình ước tính 1.600 tỷ đồng, dùng ngân sách nhà nước. Trong đó, phần cầu chính khoảng 600 tỷ đồng, phần giải phóng mặt bằng, đường dẫn và chi phí dự phòng khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến tháng 7, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ thông qua chủ trương tổng mức đầu tư. Kế hoạch khởi công vào tháng 4/2025 với thời gian thi công 36 tháng.

Hậu Giang chốt phương án thiết kế cầu Nguyễn Chí Thanh, trị giá 1.600 tỷ đồng - 1

Phối cảnh cầu Nguyễn Chí Thanh trong phương án kiến trúc "Quăng chài kéo lưới".

Cầu Nguyễn Chí Thanh có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm từng bước mở rộng không gian đô thị thành phố Vị Thanh theo hai hướng nam - bắc kênh Xáng Xà No, kết nối Vị Thanh với Quốc lộ 61C đi Cần Thơ. Đây là tiền đề để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hậu Giang, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, đề bài đặt ra với cây cầu này không chỉ là giải quyết tối ưu bài toán hạ tầng, tạo ra điểm nhấn đặc sắc về không gian đô thị. Một cây cầu mang tính biểu tượng của Hậu Giang, trở thành địa chỉ tham quan, du lịch hấp dẫn là mục tiêu hướng đến.

Phương án "Quăng chài kéo lưới" được đánh giá đã giải quyết tốt các thử thách mà đề bài đặt ra.

Cầu có 3 nhịp chính bố trí theo sơ đồ 50-45-50 (m). Các nhịp có kết cấu dầm thép dạng chữ I liên hợp bản bê tông cốt thép. Nhìn từ trên cao, mỗi nhịp cầu là 1 chữ "H" uốn lượn, tượng trưng cho cái tên Hậu Giang. Những đường lượn mềm mại vừa như nhịp sóng, vừa mô phỏng dòng chảy mênh mông, biến hóa của sông ngòi, kênh rạch nơi đây.

Hậu Giang chốt phương án thiết kế cầu Nguyễn Chí Thanh, trị giá 1.600 tỷ đồng - 2

Phối cảnh cầu Nguyễn Chí Thanh nhìn từ trên cao.

Nhìn từ lòng kênh Xà No, 3 nhịp cầu như cầu vồng hiện lên sau mưa. Đồng thời, các dây văng kết nối tại mỗi nhịp cầu được sắp đặt theo hệ kết cấu của chiếc vó tre, lấy cảm hứng từ hình ảnh cất vó trên kênh, biểu tượng mang đậm bản sắc của nếp sinh hoạt - lao động miền sông nước.

Phần lan can được đánh giá là sáng tạo giàu tính nghệ thuật khi cách điệu hình ảnh đàn cá thát lát nối đuôi nhau hướng về phía cầu vồng.

Cá thát lát là loài cá đặc trưng của Hậu Giang. Yêu cầu khó mà địa phương đặt ra với các nhà thầu thiết kế làm sao đưa hình ảnh cá thát lát vào cây cầu Nguyễn Chí Thanh này.

Nhóm tác giả cho biết đã đề xuất ý tưởng đột phá, phác thảo cá thát lát hai bên thành cầu kết hợp với hiệu ứng chiếu sáng nghệ thuật có kịch bản để tạo ra ấn tượng thị giác đặc sắc gợi liên tưởng một mùa khai thác bội thu của ngành nông sản.

Đây cũng là nét cọ cuối cùng tạo nên bức tranh "quăng chài kéo lưới" với những đường nét khỏe khoắn, tươi vui và khoáng đạt, thể hiện phẩm chất hào sảng và cuộc sống nhộn nhịp, trù phú của đất và người Hậu Giang.

Phương án kiến trúc này cũng được đánh giá cao khi chắt lọc, tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa trong một hình thức hiện đại.

Hậu Giang chốt phương án thiết kế cầu Nguyễn Chí Thanh, trị giá 1.600 tỷ đồng - 3

Phối cảnh cầu Nguyễn Chí Thanh nhìn từ lòng kênh Xà No.

Một điểm khác biệt ở phương án kiến trúc cầu Nguyễn Chí Thanh so với các cây cầu hiện hữu ở TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long là đường dạo ven kênh hai bên đầu cầu. Nhóm tác giả đã đề xuất cải tạo không gian này vừa làm nhiệm vụ hạ tầng giao thông vừa trở thành không gian công cộng phục vụ người dân và du khách.

Ở khu vực đường dạo, liên danh thiết kế đầu tư nhiều tâm huyết để tạo ra khuôn viên xanh lãng mạn với những hàng cây rợp bóng, bồn cây kết hợp ghế ngồi, sàn vọng cảnh, lối dạo bộ và đạp xe. Nhóm tác giả cũng chú trọng vào từng chi tiết nhỏ nhất thể hiện một đô thị văn minh như bố trí tấm lát trên vỉa hè rộng 60cm có thiết kế gờ nổi dành cho người khiếm thị.

Hậu Giang chốt phương án thiết kế cầu Nguyễn Chí Thanh, trị giá 1.600 tỷ đồng - 4

Cầu Nguyễn Chí Thanh có ý nghĩa quan trọng với thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

TS.KTS Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch chi hội kiến trúc sư Đại học Xây dựng Hà Nội, đại diện nhóm tác giả - cho biết: "Cầu Nguyễn Chí Thanh là cây cầu trong đô thị. Vì thế ngoài chức năng giao thông, cây cầu còn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí, văn hóa của người dân. Hiện thực hóa công trình đường dạo ven sông mang ý nghĩa rất lớn. Người dân, du khách sẽ có một điểm đến thú vị, hấp dẫn, nơi có thể nhìn ngắm cây cầu biểu tượng của Hậu Giang, đồng thời tận hưởng không gian vừa hiện đại vừa gần gũi với thiên nhiên".