1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Hạt nêm bào ngư Chin-su có chứa bột ngọt?

Vụ hạt nêm Knorr “tự nhiên hơn bột ngọt” vừa lắng xuống thì nay đến hạt nêm bào ngư Chin-su lại “nổi” lên với câu quảng cáo “không bột ngọt”. Thanh tra Bộ Y tế đang cho kiểm tra lại sản phẩm hạt nêm bào ngư Chin-su trước thông tin cho rằng sản phẩm này có chứa bột ngọt.

Chiều 30/12, ông Trần Quang Trung - chánh thanh tra Bộ Y tế - cho biết đã gửi mẫu gia vị Chin-su làm từ bào ngư đi kiểm nghiệm ở Viện Dinh dưỡng quốc gia và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3).

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng cho thấy hàm lượng bột ngọt (monosodium glutamate) trong hạt gia vị Chin-su là 0,85% tính theo khối lượng. Trong khi đó, trong đợt tung sản phẩm này vào đầu tháng mười một, nhà sản xuất - Công ty liên doanh công nghiệp Masan - khẳng định hạt nêm được chiết xuất từ nấm bào ngư và không bột ngọt.

Tuy nhiên, theo ông Trung, kết quả của Viện Dinh dưỡng chưa đủ để kết luận rằng hạt gia vị Chin-su “có vấn đề”. “Kinh nghiệm cho thấy kết quả kiểm nghiệm vẫn có sai số nhất định. Chúng tôi đang phân tích thêm một số mẫu vì Viện Dinh dưỡng chưa xác định được tỉ lệ 0,85% kia là chất ngọt tự nhiên (lắng đọng từ nước cốt xương hầm) hay bột ngọt thương mại” - ông Trung nói.

Bà Nguyễn Thị Lâm, viện phó Viện Dinh dưỡng, từ chối đưa ra nhận xét về kết quả này, chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi đã chuyển kết quả cho thanh tra, còn chất lượng sản phẩm là do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm xét duyệt”.

Ông Nguyễn Đắc Lực, phó trưởng phòng cấp đăng ký và chứng nhận thuộc Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thì cho biết đã cấp phép cho Chin-su được in nhãn mang dòng chữ “không bột ngọt” dựa vào các phiếu kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng.

Theo đó, Viện Vệ sinh y tế công cộng, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học - công nghệ TPHCM) và Quatest 3 ghi nhận hạt gia vị bào ngư Chin-su không có thành phần bột ngọt. Riêng hai chất điều vị 627 và 631 có trong Chin-su, ông Lực cho biết đó là hai loại muối natri được sử dụng để làm cho gia vị thêm đậm đà, không phải là bột ngọt cũng không phải là chất “siêu ngọt”.

Theo ông Trương Công Thắng, phó tổng giám đốc Masan: “Trên nguyên tắc, nếu sử dụng bột ngọt với hàm lượng chỉ 0,85% thì không có ý nghĩa gì đối với sản phẩm, bởi không giúp làm tăng chất ngọt cho sản phẩm mà cũng không giúp làm giảm giá thành”.

Theo bà Lê Thị Nga - giám đốc phát triển công nghệ của Masan, khi Chin-su nghiên cứu sản phẩm hạt gia vị bào ngư “không bột ngọt” để xuất khẩu sang Úc, có mẫu thử nghiệm ghi “không phát hiện bột ngọt”, có mẫu ghi hàm lượng 0,4%, có mẫu ghi 0,8%...

“Chúng tôi đã kiên nhẫn yêu cầu các cơ quan thử nghiệm tách tỉ lệ bột ngọt phát hiện được thành hai loại: bột ngọt tự nhiên có trong bột thịt, nước cốt xương hầm cô đặc và bào ngư, và bột ngọt thương mại. Nếu sử dụng theo phương pháp tách này thì thành phần bột ngọt phát hiện được trong Chin-su không phải là bột ngọt thương mại” - bà Nga khẳng định.

Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết đã có buổi làm việc với Masan tại TPHCM và đồng ý cho Masan được gửi thêm mẫu đến Quatest 3, Viện Vệ sinh y tế công cộng và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm... để có câu trả lời rõ ràng hơn với người tiêu dùng.

Liên quan đến câu quảng cáo “Đặc biệt tốt cho trẻ em” ghi trên nhãn hàng hạt gia vị bào ngư Chin-su liệu có gây hiểu lầm đây là “sản phẩm dinh dưỡng” cho các bé, ông Phan An Sa, chánh thanh tra Bộ Văn hóa - thông tin, cho biết câu này có “nói quá” hay không còn tùy thuộc vào ý kiến của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. “Nếu cục cho rằng chất lượng Chin-su vẫn tốt và nói như thế là chấp nhận được thì công ty không vi phạm các qui định về quảng cáo” - ông Sa nói.

Còn ông Trần Quang Trung thì lại cho rằng: “Không chỉ tôi phản đối mà cả ông Khẩn (ông Nguyễn Công Khẩn, viện trưởng Viện Dinh dưỡng - NV) cũng phản đối. Ghi như thế có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, người ta tưởng nấu cháo, nấu bột cho trẻ em nêm Chin-su bào ngư này vào là đủ rồi, không cần cho con cái ăn thịt, cá, rau củ nữa thì nguy”.

Theo Như Hằng L.Anh
Báo Tuổi trẻ