1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khánh Hòa:

Hành trình tìm kiếm chiếc máy bay rơi ở Khánh Hòa 22 năm trước

(Dân trí) - “Từ trên đỉnh Ô Kha, tôi cắt từng đường một kéo dọc xuống và đến đường thứ 3 thì tôi phát hiện một khu rừng không bình thường. Ở chỗ đó, tôi thấy cánh rừng bị héo hắt và có một đám cháy rất rộng. Tôi nghi đây là chỗ máy bay rơi”...

Trong khi cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích đến nay chưa có hồi kết, chúng ta lại cùng hồi tưởng lại câu chuyện máy bay Việt Nam rơi trên một ngọn núi cao ở Khánh Hòa cách đây 22 năm. Câu chuyện tai nạn thương tâm đó sẽ chẳng ám ảnh đến hơn 2 thập kỷ nếu không có sự kiện xảy ra ngay sau đó: Chiếc trực thăng cùng 7 người tham gia tìm kiếm cứu hộ máy bay cũng bị rơi ngay gần đó.

Chiếc máy bay đầu tiên được xác định rơi trên địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa. Đó là chuyến bay VN-474 của Vietnam Airlines được thực hiện bởi chiếc Yak-40, rơi vào ngày 14/11/1992 sau khi va vào núi Ô Kha (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) khiến 30 người thiệt mạng.

Theo thông tin có được khi đó, chiếc Yak-40 bay từ TPHCM đi Đà Lạt, nhưng không thể đáp xuống Đà Lạt vì trời sương mù nên chuyển hướng bay về Nha Trang thì gặp nạn.

Lực lượng tìm kiếm nghi máy bay có thể gặp sự cố ở vùng ven biển Nha Trang, Diên Khánh và huy động lực lượng tìm kiếm cả trên núi, đồng bằng và trên biển nhưng đều vô vọng… Và cuối cùng họ mở rộng vùng tìm kiếm lên huyện miền núi Khánh Sơn.

Hành trình tìm kiếm chiếc máy bay rơi ở Khánh Hòa 22 năm trước
Bản đồ với dấu mũi tên đỏ là vị trí may bay rơi, cách thị trấn Tô Hạp (Khánh Sơn) về hướng Bắc hơn 10 km. (Ảnh tư liệu)

Cuộc tìm kiếm xuyên… ngày đêm

Trong hành trình ngược về quá khứ cách đây hơn 20 năm, PV Dân trí may mắn gặp được ông Nguyễn Thành Chung, nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn. Thời kỳ đó, ông Nguyễn Thành Chung là chỉ huy trực tiếp lực lượng tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

Ông Chung kể: Lúc bấy giờ huyện miền núi Khánh Sơn đang mùa mưa, trời âm u và sương mù rất dày đặc. Chiếc Yak-40 khi bay qua vùng trời của huyện đã bất ngờ va vào sườn núi Ô Kha nằm giữa 2 huyện Khánh Sơn và Cam Ranh rồi rơi xuống thung lũng này.

Thời điểm máy bay rơi, một vài người dân sống quanh thung lũng có nghe tiếng nổ rất to nhưng họ không đoán định được cái gì phát nổ và vị trí nổ ở đâu. Một ngày sau, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã thông báo vụ việc với lãnh huyện Khánh Sơn và đề nghị được hỗ trợ tìm kiếm.

Vụ việc được báo cáo lên tỉnh và sau đó Ban chỉ đạo tìm kiếm máy bay bị nạn được thành lập, đặt tại thị trấn Tô Hạp (Khánh Sơn) và Ban Chỉ huy tìm kiếm đặt tại xã Sơn Trung mà tôi là Chỉ huy trực tiếp.

Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả vì phạm vi tìm kiếm trải rộng, khả năng quan sát rất hạn chế vì thời tiết thì mưa gió, sương mù dày đặc. Sau đó việc tìm kiếm được giao lại hoàn toàn cho Ban chỉ huy quân sự huyện nên tôi đã chỉ đạo anh em rút về vùng núi xã Sơn Trung và tập trung tìm kiếm ở quanh núi Ô Kha, ngọn núi cao hơn 1.000 mét, bởi người dân báo lên là nghe tiếng nổ lớn mấy ngày trước ở khu vực phía Đông Bắc của xã này.

Ông Nguyễn Thành Chung kể lại vụ việc từ 22 năm trước với PV Dân trí.
Ông Nguyễn Thành Chung kể lại vụ việc từ 22 năm trước với PV Dân trí.

Tôi chia lực lượng tìm kiếm thành 5 tổ, mỗi tổ từ 7 đến 12 người rồi mang theo bạt, võng, nhu yếu phẩm… tiến sâu vào thung lũng Ô Kha. Trong đó, 2 tổ đi theo hướng Bắc, 2 tổ đi theo hướng Nam và tổ còn lại tiến thẳng đỉnh núi Ô Kha. Về phần tôi, sáng sớm ngày thứ 4 sau khi máy bay gặp nạn, tôi trực tiếp đi lên đồi tranh của dãy núi Mò O thuộc xã Sơn Trung với một đồng chí liên lạc để tìm kiếm. Dãy núi rất dốc, cao và âm u suốt ngày đêm. Khi lên đến nơi, chúng tôi ngồi chờ đến khoảng 10h trưa cho trời hửng nắng thì cầm ống nhòm lên quan sát.

Chúng tôi quan sát theo từng dãy hàng dọc, từ trên đỉnh Ô Kha cắt từng đường một kéo dọc xuống và đến đường thứ 3 thì phát hiện một khu rừng không bình thường. Ở chỗ đó, chúng tôi thấy cánh rừng bị héo hắt và có một đám cháy rất rộng. Tôi nghi đây là chỗ máy bay rơi.

Tiếng khóc rên của cô gái hơn 20 tuổi

Nhưng lúc đó, trời mây và sương đặc quánh, tôi ráng đợi cho đám mây bay qua, khi ánh nắng mặt trời rọi lên chỗ cánh rừng thì chúng tôi lại đưa ống nhòm lên quan sát một lần nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi kết luận ngay đó là chỗ máy may rơi vì cây gãy đổ, cháy rất nhiều.

Tôi lập tức cho liên lạc báo với anh Đỉnh (Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia tìm kiếm máy bay bị nạn). Khi anh Đỉnh lên tới nơi, tôi chỉ dấu vết khả nghi chiếc máy bay bị rơi vừa phát hiện cho anh. Sau khi quan sát một lúc lâu, anh Đỉnh về cơ bản nhất trí với tôi là vị trí chiếc máy bay đã rơi ở chỗ đó. Tối hôm đó, chúng tôi trở về Sở Chỉ huy (đặt tại thị trấn Tô Hạp, Khánh Sơn) báo cáo kết quả quan sát cho lãnh đạo huyện, tỉnh và triển khai kế hoạch tìm kiếm.

Tôi là chỉ huy trực tiếp nên tôi giao nhiệm vụ ở Sở chỉ huy cho một tổ dân quân cơ động do đồng chí xã đội trưởng xã Sơn Trung là Mấu Quốc Tân phụ trách và chỉ rõ tọa độ máy báy rơi cho họ. Từ xã Trung Sơn, mấy anh em cắt rừng, leo núi, băng suối… hơn 6 giờ đồng hồ mới tới nơi.

Khi đến nơi, anh em báo về xác nhận là đúng vị trí máy bay rơi. Ngay sau đó, tôi lệnh cho anh em chốt giữ hiện trường. Sau đó một ngày, lực lượng tìm kiếm khoảng 20 đến 30 người tiếp tục hành quân lên Ô Kha. Khi lên đến nơi trời tối nên mọi công việc buộc phải dừng lại.

Hôm sau, chúng tôi kiểm tra hiện trường thì thấy cái đuôi máy bay và đám cháy rất to, chứ không thấy xác máy bay ở đâu nên nghĩ rằng có thể cái xác đã bị cháy rụi. Chúng tôi mở rộng hơn 100 mét tìm kiếm và bất chợt nghe tiếng người khóc rên rỉ yếu ớt giữa thung lũng âm u. Mọi người như nín thở rồi lần theo nơi có tiếng khóc thì thấy một cô gái hơn 20 tuổi tinh thần hoảng loạn nằm bên cạnh cái xác máy bay. Ngay lập tức, cô gái liền được lực lượng tìm kiếm băng bó, sơ cứu tại chỗ và đưa lên cáng rồi khiêng ra bệnh viện huyện cấp cứu.

Ngay bên cạnh vị trí cô gái nằm, tính từ cánh cửa của xác máy bay có 4 đến 5 thi thể người nằm sõng soài từ trong ra ngoài. Chúng tôi đoán rằng có thể khi máy bay vừa rơi xuống thung lũng Ô Kha, những người này chỉ bị thương nhẹ nên họ cố gắng bò ra ngoài với hi vọng sẽ có người cứu. Tuy nhiên, giữa thung lũng hoang vu không một bóng người, những người này đã chết trước lúc chúng tôi kịp tới vì đói, khát và lạnh trong nhiều ngày liền.

Chúng tôi nhìn vào bên trong cái xác máy bay thì một khung cảnh hết sức thảm thương. Hàng chục người không ai sống sống sót, các nạn nhân nằm chồng chất lên nhau và bị đè dưới đống đổ nát. Sau khi phát hiện xác máy bay, một tiểu đoàn bộ binh được điều lên Ô Kha phát quang hiện trường và tiến hành khoan thân máy bay, đưa xác nạn nhân ra ngoài.

(Còn nữa)

Viết Hảo
(ghi theo lời kể của nhân vật)