Hành trình nỗ lực của cô gái bị liệt nửa người thành HLV Yoga ở Hà Nội
(Dân trí) - Tưởng chừng mọi thứ đã sụp đổ sau biến cố bị liệt nửa người nhưng Xuân không bỏ cuộc, tìm đến yoga như liệu pháp đặc trị riêng và "lột xác" thành một người phụ nữ khỏe mạnh, giàu sức sống và lạc quan.
Chị Vi Thị Thanh Xuân (Vi Salano) 35 tuổi, hiện là giáo viên yoga tại Hà Nội. Ít ai biết rằng, cách đây 10 năm, người phụ nữ dẻo dai, lạc quan và đầy sức sống này lại từng xảy ra một biến cố lớn vì bị liệt, nửa cơ thể trái mất cảm giác hoàn toàn.
"Vào một buổi tối năm 2011, mình về nhà, ăn tối, tắm giặt rồi đi ngủ. Khi tỉnh dậy thì mình phát hiện bị liệt nửa mặt trái, mắt trái không chớp được, nước mắt chảy vô thức. Thậm chí, tay trái cũng không có cảm giác gì, nửa người như bị liệt", chị nhớ lại.
Thế nhưng thời điểm đó, gia cảnh chị khá khó khăn. Bố mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ đi làm phụ hồ, chị phải vay mượn bạn bè mỗi lần vài trăm nghìn để trang trải viện phí hay đi bấm huyệt, châm cứu.
Cắn răng chịu đựng những cơn đau tê tái tận xương, buốt óc khi châm cứu vào các huyệt nhưng vẫn chưa lấy lại được cảm giác, chị từng nghĩ cuộc đời "thế là hết" dẫu còn đang ở tuổi đôi mươi.
Hai năm sau, chị Xuân bắt đầu tập ăn cơm không phải ngửa cổ, uống nước không làm ướt áo, tay tập nâng đồ vật nhẹ nhàng và dần nhận được tín hiệu tích cực. Thỉnh thoảng, chị bị đau nửa đầu, vai gáy phải cạo gió, "sống dặt dẹo" vì phải dùng thuốc thường xuyên.
Một lần, chị tình cờ được bạn rủ đi tập yoga. Tuy nhiên vì cơ thể khá cứng và bản thân chưa biết cách hít thở nên chị gặp khó khăn, không bắt nhịp được bài tập của huấn luyện viên.
"Thời gian đầu tập luyện, mình đau nhức cả người, đứng lên cúi xuống nhiều còn bị hoa mắt, buồn ói. Nghĩ đến sức khỏe, mình cố gắng tập nhưng không theo nổi bài tập trên lớp nên mình về nhà, chủ động tìm các bài đơn giản, lắng nghe cơ thể mình để chọn động tác phù hợp", chị Xuân nói.
Khi cơ thể quen hơn, người phụ nữ này tranh thủ giờ nghỉ trưa ở công ty để đi tập. Tối trở về nhà, chị lại dành 40 phút tập luyện tiếp. Càng tập càng đam mê, chị muốn làm được nhiều tư thế đẹp và khó hơn nữa và dần nảy sinh ước muốn trở thành huấn luyện viên yoga.
Chị tìm kiếm các bài tập yoga trên mạng, lắng nghe chia sẻ của các HLV giàu kinh nghiệm rồi vận dụng vào tình trạng của cơ thể và tự soạn giáo án riêng cho mình. Cứ có thời gian rảnh rỗi, chị lại tập luyện, học cách hít thở đúng để tăng cường sức khỏe và hồi phục cảm giác.
"Yoga nhẹ nhàng mà tác động sâu khiến toàn thân mình bị mỏi, nhất là phần tay và đùi. Sau đó mình học được cách thở, "hít vào phình bụng ra, thở ra xẹp bụng" để không mệt hay thở dốc khi lộn người", chị kể.
Mỗi ngày, chị Xuân dành 1-2 giờ đồng hồ cho tập luyện. Có hôm tăng thời gian hơn hoặc bố trí nghỉ ngơi trong tuần để cơ thể thư giãn. Cứ thế kiên trì khoảng 2 năm tập yoga trị liệu, chị thấy các cơ đã hồi phục và không bị teo đi. Nhưng phải đến năm sau, chị mới chính thức lấy lại được toàn bộ cảm giác.
Không chỉ hồi phục cơ thể, ăn ngon và ngủ sâu hơn, chị Xuân còn "lột xác" hoàn toàn kể từ khi tập yoga. Từ một người khá mập mạp, di chuyển ì ạch, chị đã giảm được cân, lấy lại vóc dáng cân đối, đồng thời cải thiện sức khỏe rõ rệt.
Chị kết hợp tập luyện các bài tập bổ trợ thể lực, tập trung vào các nhóm cơ chưa hoàn thiện để thân hình săn chắc hơn. Cũng nhờ tập yoga để cơ thể đẹp và khỏe, chị mong muốn được truyền tải và lan tỏa tinh thần lạc quan tới mọi người, nhất là những người phụ nữ còn chưa tự tin vào bản thân.
Hiện chị đang hướng dẫn yoga cho khoảng 80 học viên cả online và offline. Mỗi ngày chị dạy từ 4-5 ca. Nhiều người được truyền cảm hứng từ chị Xuân đã cố gắng thay đổi cuộc đời, học cách yêu bản thân và cải thiện sức khỏe hiệu quả.
"Yoga như một phần cuộc sống không thể thiếu của mình, nhờ phương pháp này mà mình đã thay đổi suy nghĩ và lấy lại được năng lượng sống tích cực, lạc quan. Mình cũng hy vọng mọi người hãy biết yêu thương và trân quý bản thân bằng cách tập thể dục. Đó là phương thuốc chữa bệnh tuyệt vời nhất, mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là yoga", chị Xuân bày tỏ.