Chuyện về gia đình ba đời se chỉ, căng khung thêu cờ Tổ quốc ở Hà Nội
(Dân trí) - Làng Từ Vân (Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với nghề may, thêu cờ Tổ quốc từ lâu đời, nhưng đến nay chỉ còn gia đình cô Vương Thị Nhung vẫn đang giữ gìn và phát triển nghề thêu qua các thế hệ.
Gia đình duy nhất giữ lửa nghề thêu
Đến cổng làng Từ Vân, hỏi tên ai cũng biết đến nhà cô Vương Thị Nhung, bởi không chỉ là người giữ nghề, cô Nhung còn tạo công ăn việc làm cho người trong làng. Từ những đứa trẻ lớp 1 đến các cụ già 80 tuổi đều đến nhà cô Nhung căng khung, thêu cờ.
Nghề may cờ Tổ quốc của gia đình cô Nhung đã có cách đây hơn 70 năm, bắt đầu từ đời của bố ruột là cụ Vương Văn Tháp. Trong số 11 người con, cô là người duy nhất nối nghiệp từ cha, phần lớn anh chị đều đi buôn bán.
Chia sẻ về nghề, cô Nhung tâm huyết: "Công việc đôi khi hơi vất vả, cả ngày lúc nào cũng tất bật nhưng tôi rất tự hào. Nghề thêu vừa là nghề truyền thống của làng, hơn nữa còn là nghề của cha truyền lại, mỗi lá cờ đều mang một phần trái tim của tôi".
Thêu cờ Tổ quốc cũng là công việc mang lại nguồn thu nhập quanh năm cho gia đình, đặc biệt vào dịp cuối năm, Tết, 2/9. Có những ngày hàng đặt với số lượng lớn, người nhà và thợ phải thức thâu đêm làm để kịp trả cho khách.
Gian nhà của gia đình, xung quanh đều nhuộm đỏ màu vải, các sản phẩm may, thêu được khách đặt làm dày đặc, các lá cờ cỡ lớn phải báo làm trước cả năm. Không chỉ thu hút các cơ quan trong Hà Nội, cô Nhung còn nhận nhiều đơn hàng trải dài từ Bắc vào Nam: Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Tây Nguyên…
Các sản phẩm đặt tùy theo nhu cầu của khách, nhưng thông thường cờ trao thưởng cho cơ quan, cá nhân được thêu tỉ mỉ. Cờ treo đường phố hay các loại cờ nhỏ đặt với số lượng lớn cô Nhung sẽ cắt, in bằng máy và sử dụng khuôn đúc sẵn.
Là người có nhiều năm trong nghề, cô Nhung nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ khách hàng. Với những khách đặt qua email hay điện thoại, từ phần thiết kế đến tạo thành phẩm đều được cô Nhung và gia đình thực hiện chau chuốt và chu đáo.
Chia sẻ về gia đình "cha truyền con nối", cô Nhung cho biết thêm: "Con gái tôi năm nay 23 tuổi, nhưng đã làm nghề thêu được 15 năm. Con cũng đang tiếp nối bí quyết nghề thêu cờ Tổ quốc từ ông ngoại và tôi".
Cờ thêu cần chỉn chu từng công đoạn
Để làm ra được một lá cờ đẹp cần có chuẩn mực riêng từ vải vóc đến từng sợi chỉ. Công việc tuy không cần đến kỹ thuật cao siêu, nhưng sự tỉ mỉ, điểm tĩnh lại là điều kiện cần. Bởi từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu đến việc cắt ngôi sao, chọn chỉ may, thêu trên mỗi lá cờ đều không được phép chênh lệch.
Cô Nhung lựa vải sa từ làng La Khê (Hà Đông), chỉ thêu phải đúng loại làng Triều Khúc (Thanh Trì), sợi chỉ mềm, không xù và bóng. Khi ấy mới đảm bảo được chất lượng cờ thêu truyền thống.
Sau khi cắt cờ là bước dùng sơn vàng để in màu, tùy vào nội dung khách yêu cầu mà mỗi lá cờ có câu chữ khác nhau. Phơi khô là công đoạn cần sự khéo léo, chỉ lỡ tay sẽ làm các mảng sơn của các lá cờ dính vào nhau. Vào những ngày mưa, trời nồm cô Nhung và người nhà phải dùng máy sấy làm khô.
Công đoạn đặc biệt nhất là tạo hình ngôi sao vàng 5 cánh, "trong làng nhiều hộ chuyển sang dùng máy móc, nhưng nhà tôi vẫn thêu từng mũi kim". Bởi vậy, thời gian hoàn thiện một lá cờ mất đến hàng tuần, dù thợ kiên nhẫn ngồi thêu đến cả chục tiếng một ngày.
Khó khăn là vậy nhưng chưa khi nào cô Nhung, gia đình, thợ thêu có ý định bỏ nghề: "Tự tay thêu cũng vất lắm, ngồi nhiều cũng đau lưng, mỏi mắt nhưng mỗi lá cờ thêu xong lại thấy ý nghĩa vô cùng, không yêu nghề không làm được đâu", cô Nguyễn Thị Xếp, thợ thêu đã gắn bó với nghề thêu 30 năm chia sẻ.
Trong gia đình cô Nhung, từ các cháu bé biết ăn, biết làm đã xỏ kim, se chỉ, rửa khung. Tình yêu với nghề truyền thống không chỉ dừng lại ở cô Nhung hay con gái của cô, nó đang được chia sẻ và giữ gìn từ những mầm non của làng Từ Vân.
Sự phát triển của xã hội, công nghệ hiện đại làm cho nghề thêu truyền thống dần mai một. Nhưng khung cảnh gia đình cô Nhung đã làm sống lại làng nghề Từ Vân thực thụ. Mỗi thế hệ gối lên nhau niềm tự hào, hãnh diện được tự tay thêu từng nét cho lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc.