1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Lắk:

Hành trình may cờ Tổ quốc trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử

(Dân trí) - Nhận được tin Buôn Ma Thuột giải phóng, lá cờ Tổ quốc do chính mình tự tay may tung bay khắp nơi trong ngày chiến thắng, giành độc lập, bà Lan cùng đồng đội ôm nhau khóc vì hạnh phúc vỡ òa.

May cờ Tổ quốc trong chiến tranh khốc liệt

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột, chiến dịch Tây Nguyên thành công rực rỡ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1942, quê gốc tỉnh Bình Định) vẫn không bao giờ quên được những ký ức đẹp trong ngày chiến thắng lịch sử ấy.

Hành trình may cờ Tổ quốc trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử - 1

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan kể về quá trình may cờ Tổ quốc trong hoàn cảnh gian nan, vất vả của năm tháng kháng chiến

Bà tham gia cách mạng từ khi còn là cô thiếu nữ đôi mươi, do biết nhiều về may vá nên bà được cấp trên cho về Tổ may mặc, Ban kinh tài của huyện H4 (nay thuộc khu vực huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), giao nhiệm vụ hậu cần, tăng gia sản xuất và may quần áo, mũ tai bèo, ruột ghé (túi đựng gạo đeo trước ngực)… cho các chiến sĩ bộ đội địa phương.

Lúc ấy, tổ may của bà chỉ có 3 người, trong đó chỉ có 1 máy may và bà cũng là người phụ nữ duy nhất trong tổ may này. Từ năm 1967 trở đi, ngoài việc may đồ, tổ may của bà nhận nhiệm vụ may cờ Tổ quốc.

Bà Lan kể, khi nhận nhiệm vụ may cờ Tổ quốc bà rất bỡ ngỡ vì lá cờ Tổ quốc bà chưa từng được cầm trên tay, cũng chưa hề biết được kích thước phù hợp và cách may sao cho đúng chuẩn. “Ban đầu tôi lấy giấy ra cắt, ước lượng chiều dài, chiều rộng cho chính xác. Sau đó, cắt ngôi sao 5 cánh thật đều rồi lấy cơm nguội dán vào chính giữa để mường tượng ra được lá cờ Tổ quốc thiêng liêng”, bà Lan bồi hồi nhớ lại.

Vừa nói, bà Lan vừa lấy lá cờ Tổ quốc ra chỉ cách may cờ chuẩn, đặt ngôi sao 5 cánh ở trọng tâm, các đường may mũi chỉ phải khéo léo nếu không cờ sẽ bị lệch và không sử dụng được.

Hành trình may cờ Tổ quốc trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử - 2
Những tấm huân chương, huy chương minh chứng cho những cống hiến, đóng góp của bà cho Tổ quốc

Theo bà Lan, sau nhiều lần cắt may thử, tổ may của bà xác định lá cờ Tổ quốc theo đúng chuẩn sẽ dài 120cm và rộng hơn 80cm. Tuy nhiên, vấn đề lúc bấy giờ là nguyên liệu để may cờ, đặc biệt màu đỏ và vàng quân địch rất chú ý, nếu lục soát phát hiện sẽ rất nguy hiểm cho người vận chuyển vải.

Bà kể tiếp, vải thời điểm đó vô cùng khan hiếm, bà và người trong tổ may phải liên hệ với các cơ sở, điểm công tác để nhận vải. Điểm tập kết vải được lựa chọn là Đồn điền Rosi (nay thuộc huyện Krông Năng), khi nhận được tin báo có vải thì tổ may phân công người đến lấy. Quá trình lấy vải rất gian nan vì địch chốt chặn ở nhiều nơi, nếu nghi ngờ sẽ bị xét hỏi, kiểm tra rất kỹ nên mọi người đều phải lựa chọn thời điểm phù hợp để vận chuyển vải về khu căn cứ.

Có những lúc nhận vải xong, bà Lan và đồng đội phải đào hố cất giấu rồi dùng lá cao su phủ lên trên để che mắt quân địch. Tại các tuyến đường chính địch chốt chặn, tổ may của bà đành dùng nilon bọc kỹ vải bỏ trôi dưới dòng suối rồi người đi hoặc bơi theo, bằng mọi cách lấy được vải về.

Bà cho biết, quá trình đi lấy vải đã vất vả nhưng sau khi may cờ xong lại còn vất vả hơn khi tổ công tác phải mang cờ Tổ quốc đi chỗ khác giấu để địch khi càn quét khu căn cứ không phát hiện. Nơi giấu cờ an toàn được tổ công tác lựa chọn bằng cách đi dọc các con suối, nhấc những hòn đá ven bờ lên, bỏ cờ Tổ quốc vào túi và nhét vào rồi lấy đá đè lên lại.

Một cách khác cũng được tổ may áp dụng đó là đào hố đặt cờ và dùng cỏ tranh phủ lên trên. Quá trình đi giấu cờ, tổ may của bà Lan không dám đi tiến về phía trước mà phải đi ngược lùi về phía sau để không tạo ra lối mòn, tránh tối đa việc để lại giấu vết.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa ngày đại thắng

Đầu tháng 2/1975, tổ may của bà Lan nhận lệnh phải may cờ đỏ sao vàng liên tục, lúc này mọi người chưa nghĩ là có chiến dịch lớn sẽ diễn ra trên địa bàn. Tổ may của bà hoạt động liên tục, người may người cắt vải, làm cả ngày cả đêm, khoảng 3 – 4 ngày thì tổ làm xong 100 lá cờ. Cứ làm xong đợt cờ nào là có người trong đội công tác tới mang đi ngay.

Hành trình may cờ Tổ quốc trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử - 3
45 năm đã trôi qua nhưng ký ức về ngày đại thắng luôn ở trong tâm trí của người phụ nữ tổ may kiên cường năm xưa

“Đêm đến chúng tôi thắp đèn để may cờ nhưng lo bị địch phát hiện sẽ dội bom nên phải dùng cỏ tranh bện lại che chắn xung quanh căn cứ và dùng vải bịt kín xung quanh để may cờ. Lúc đó, giữa gió lạnh Tây Nguyên, tổ may làm việc cả đêm, lo địch phát hiện nhưng ai nấy vẫn quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”, bà Lan xúc động nhớ lại.

Đến đêm ngày 10/3, nghe tin chiến thắng Buôn Ma Thuột phát sóng trên chiếc radio cũ, bà Lan và đồng đội nhảy lên vì vui sướng. “Chúng tôi ai nấy đều vỡ òa vui sướng, nước mắt cứ vậy trào ra. Nghĩ đến lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng do chính mình may được tung bay khắp thị xã, cả đêm tôi không ngủ được vì hạnh phúc”, bà Lan nói trong tự hào.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Lan lập gia đình với Đại tá Nguyễn Du - người đã cùng đại đội được lệnh tiến quân giải phóng Quảng Phú (nay là xã Quảng Tiến và Quảng Phú, huyện Cư M’gar). Hai vợ chồng bà lưu giữ rất nhiều kỷ vật của những năm kháng chiến và đã tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

Riêng lá cờ Tổ quốc bà Lan may trong ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, bà xem như 1 kỷ vật quý báu của gia đình và luôn gìn giữ, nâng niu suốt 44 năm. Đến năm 2019, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhiều lần ngỏ lời muốn mang lá cờ này về trưng bày nên bà đã tặng lại bảo tàng để nhiều thế hệ sau cùng có cơ hội chiêm ngắm lá cờ thiêng liêng, đầy ý nghĩa lịch sử ấy.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm