1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Hàng trăm tiểu thương tập trung phản đối xây chợ mới

(Dân trí) - Chiều qua 25/9, bà con tiểu thương chợ Tân Bình lại tiếp tục tập trung trước chợ để tổ chức tuần hành phản đối việc đập chợ cũ để xây chợ mới và Trung tâm thương mại (TTTM) với tổng kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng của UBND quận.

“Nóng” với dự án

Theo thông tin từ UBND quận Tân Bình, nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quận giai đoạn 2010 – 2015, UBND TP đã đồng ý cho quận Tân Bình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chợ Tân Bình thành TTTM dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình.

Phối cảnh TTTM và chợ truyền thống Tân Bình
Phối cảnh TTTM và chợ truyền thống Tân Bình

Theo đó, thành phố chấp nhận chủ trương cho Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ Công ích Tân Bình được sử dụng quyền khai thác dự án để tham gia góp vốn liên doanh với công ty TNHH Tân Quang hình thành pháp nhân mới là công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bất động sản Tân Bình Phú để thực hiện dự án TTTM dịch vụ đa năng. Công ty Tân Bình Phú được thành phố giao đất để đầu tư thực hiện dự án trong 50 năm và bỏ toàn bộ vốn để thực hiện dự án.

Riêng chợ truyền thống sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa bằng việc kêu gọi nhà đầu tư có để năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện. Ngày 29/4/2014, UBND quận đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả gói thầu lựa chọn nhà đầu tư, theo đó công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Quang (có trụ sở tại quận 5) trúng thầu là nhà đầu tư xây lại chợ truyền thống Tân Bình.

TTTM có chức năng kinh doanh thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn với quy mô 3 tầng hầm, 17 tầng lầu xây trên nền đất 7.000m2 mặt tiền đường Lý Thường Kiệt, với tổng kinh phí khái toán là 1.992 tỷ đồng. Chợ truyền thống được xây dựng trên nền đất rộng gần 15.000m2, nằm phía sau TTTM với quy mô 3 tầng hầm, 1 tầng lửng và 6 tầng lầu có tổng diện tích mặt sàn gần 55.000m2, tổng kinh phí là 2.879 tỷ đồng. Dự kiến chợ Tân Bình mới sẽ khởi công vào tháng 5/2016 và tháng 11/2018 được đưa vào sử dụng.

Trong thời gian làm chợ mới, khoảng 3.336 sạp với gần 3.000 tiểu thương sẽ được bố trí bán hàng tại 2 chợ tạm xây dựng trên địa bàn quận. Sau khi chợ mới hoàn thành, các tiểu thương sẽ được bố trí sạp trở lại, sạp cũ diện tích, vị trí thế nào thì sẽ được bố trí tương ứng. Giá thuê sạp ở điểm kinh doanh mới được tính theo tầng, cao nhất là 400.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất 360.000 đồng/m2/tháng.

Ngay sau khi UBND quận Tân Bình công bố kế hoạch trên, liên tục trong những ngày gần đây, hàng trăm tiểu thương đã kéo nhau tập trung trước mặt tiền chợ để bày tỏ sự bức xúc về dự án trên. Theo các tiểu thương, chợ cũ phá đi thì miếng cơm manh áo, đời sống của hàng nghìn tiểu thương và cả chục ngàn nhân công không biết dựa vào đâu?

"Chúng tôi đang rất hoang mang"

Bà con tiểu thương tập trung trước chợ Tân Bình để phản đối dự án xây mới chợ Tân Bình
Bà con tiểu thương tập trung trước chợ Tân Bình để phản đối dự án xây mới chợ Tân Bình

Ngày 25/9, ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình đã có buổi đối thoại với 300 tiểu thương chợ Tân Bình trình bày về đề án xây dựng chợ nói trên. Bên trong Trung tâm văn hóa quận Tân Bình, tiểu thương ngồi đối thoại với lãnh đạo quận, thì bên ngoài hàng trăm tiểu thưởng tiếp tục tổ chức tuần hành qua các tuyến đường quanh khu vực này để phản đối việc xây chợ mới. Đến chiều 25/9, các tiểu thương lại tập trung trước chợ Tân Bình để phản đối. Theo ghi nhận tại đây, việc tuần hành diễn ra từ chiều 22/9.

Bà L.T.D.P., tiểu thương chợ Tân Bình cho rằng chỉ đồng ý việc nâng cấp, sửa chữa chợ cũ để an toàn, sạch đẹp hơn và hoàn toàn phản đối việc xây chợ mới. “Ở đây, người ta buôn bán từ khi còn nhỏ cho đến khi đã vài chục tuổi. Đời sống kinh tế gia đình, tất cả đều dựa vào đây. Bây giờ lại đập bỏ đi thì chúng tôi biết làm sao. Trong khi số tiền để sang lại một sạp ở đây có giá từ 2 – 10 tỷ đồng, nhiều người phải cầm cố tài sản, chấp nhận đi ở thuê để kiếm chỗ kinh doanh. Nhưng, nay quận nói nếu không muốn bố trị lại sạp chỉ hỗ trợ 30 triệu đồng/tiểu thương thì thật quá bất công”, bà P. bức xúc.

Trong khi đó, tiểu thương N.T.M.P. cho rằng bà con tiểu thương sẵn sàng đóng góp tiền nâng cấp, sửa chữa chợ cũ để tiếp tục kinh doanh chứ không cần nhà đầu tư nào cả. “Thương hiệu chợ Tân Bình nổi tiếng cả nước, mấy mươi năm nay chính các tiểu thương làm nên điều này. Bỗng dưng, bây giờ lại có người khác vào chen ngang, đầu tư xây dựng TTTM rồi chợ mới. Chúng tôi chỉ buôn bán ở tầng trệt chứ có cần lên lầu làm gì đâu? Xây lên cho đẹp vậy chứ không ai muốn vào. Bằng chứng là sau khi chợ An Đông xây mới, rất nhiều tiểu thương phải chạy sang chợ Tân Bình tiếp tục kinh doanh, chị P. cho rằng chợ xây lên tới 6 lầu làm sao mà kinh doanh.

Còn chị L.T.N.H. cho rằng việc lên lầu là rất khó để kinh doanh, điều này không phù hợp với thói quen buôn bán của người dân mình. Ngay ở tầng lửng, tầng 1, 2 của Trung tâm Tân Bình này cũng bị bỏ trống trong nhiều năm qua. “Tiểu thương chuyển qua chợ mới phải đóng tiền thuê cho 30 năm, tính giá bên công ty đưa ra thì bình quân cũng phải mất 400 triệu đồng cho sạp 3m2. Còn việc buôn bán được hay không thì chẳng ai dám nói được. Chúng tôi đang rất hoang mang”, chị H. lo ngại về dự án này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng nghìn gia đình.

Theo các tiểu thương chợ Tân Bình, nếu nhẩm tính mỗi sạp như thế có giá trung bình là 400 triệu đồng, với số lượng 5.000 sạp thì thành ra đã có 2.000 tỷ đồng, bằng số tiền xây chợ mới. “Trong khi tiểu thương phải bỏ ra hàng tỷ đồng để sang sạp thì bây giờ lại phải bỏ ra một số tiền lớn để đi thuê chỗ mới, mà cũng không chắc tình hình buôn bán lúc đó có được như bây giờ hay không? Nhà đầu tư nhảy vào xây mới, kinh phí bằng với tiền chúng tôi đóng lại, thì có phải quá bất hợp lý hay không?”, một tiểu thương nói.

Trả lời báo chí về việc tiểu thương phản ánh giá thuê sạp quá cao, ông Lê Sơn cho biết đây chỉ là tạm tính. Nếu xây dựng chợ mới thì giá sẽ được kiểm toán và công bố lại. Phía quận Tân Bình còn 9 buổi đối thoại với tiểu thương nữa để trình bày để án xây dựng chợ mới và đóng góp ý kiến về phương án xây dựng, sau đó tổng hợp báo cáo chủ tịch UBND quận xem xét lại. Hiện, đa số tiểu thương chỉ đồng tình với phương án cải tạo chợ.

Quốc Anh