1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng trăm tấn cá chết ở Hải Dương: Cá không bị bệnh

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Các cơ quan chuyên môn đã xét nghiệm và đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân hàng trăm tấn cá nuôi lồng ở Hải Dương chết đồng loạt.

Liên quan thực trạng hàng trăm tấn cá nuôi lồng ở Hải Dương bị chết, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương cho biết, các cơ quan chuyên môn đánh giá, nguyên nhân cá chết là do thiếu oxy.

Theo kết quả kiểm tra nhanh của cơ quan chuyên môn Bộ NN&PTNT, tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy.

Ngoài ra, kết quả quan trắc nguồn nước của Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở NN&PTNT của tỉnh Hải Dương cũng đưa ra kết luận khu vực nuôi cá lồng thiếu oxy "cực lớn".

Hàng trăm tấn cá chết ở Hải Dương: Cá không bị bệnh - 1

Nguyên nhân hàng trăm cá nuôi lồng chết tại Hải Dương là do thiếu oxy (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trong ngày 7/4, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã về lấy mẫu bệnh phẩm của cá chết và kết quả xét nghiệm đánh giá, cá không có bệnh.

Về nguyên nhân thiếu oxy, đại diện Sở NN&PTNT Hải Dương giải thích, thời điểm cách đây hơn 10 ngày, thời tiết thay đổi thất thường. Ở thời điểm này nắng - mưa, nóng - lạnh xen kẽ nhau, cộng với thủy triều xuống thấp dẫn đến biên độ nước lên - xuống rất thấp, chỉ được vài chục cm và lưu tốc dòng chảy gần như không có.

Các yếu tố bất lợi trên khiến lượng oxy ở khu vực nuôi cá lồng rất thấp, khiến cá yếu đi và chết hàng loạt.

"Nếu thời tiết biến đổi bất thường nhưng rơi vào thời điểm thủy triều lên, biên độ nước lên - xuống có thể được 1m - 1,5m, lưu tốc dòng chảy lớn, cộng với bà con nông dân bơm sục khí tạo oxy, thì cá sẽ không chết hàng loạt như vậy", đại diện Sở NN&PTNT Hải Dương giải thích.

Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Hải Dương, tính đến hết ngày 5/4, số lượng cá chết khoảng 300 tấn. 

Cũng theo báo cáo, đến nay tình trạng cá chết đã xảy ra tại nhiều địa phương thuộc TP Hải Dương, TP Chí Linh, huyện Nam Sách, huyện Tứ Kỳ và huyện Thanh Hà. 

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Các hộ nuôi cần theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi; khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.

Khi mực nước trên sông giảm, các hộ nuôi cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5m-3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.

Hàng trăm tấn cá chết ở Hải Dương: Cá không bị bệnh - 2

Những hộ nuôi cá lồng ở Hải Dương đang đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần (Ảnh: Nguyễn Dương).

Đồng thời cần tiến hành thu hoạch khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch, lưu ý hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi.

Các hộ nuôi nên cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm và chiều mát để cá nuôi sử dụng thức ăn hiệu quả nhất, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu… vào thức ăn.

Khi nhiệt độ nước trên 35 độ C thì cần giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường.