1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hàng trăm du khách “kẹt” ở Quan Lạn, đảo Cô Tô do bão số 1

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, hiện 172 khách du lịch, trong đó có 1 vị khách nước ngoài đang bị “kẹt” tại xã đảo du lịch Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh). Tại đảo Cô Tô cũng có khoảng 500 du khách đang lưu trú trong thời điểm bão số 1 chuẩn bị đổ bộ.

172 khách du lịch “kẹt” ở Quan Lạn do bão số 1

Các hộ dân neo tàu thuyền tránh trú bão nhưng vẫn còn một số em nhỏ nô đùa, rất nguy hiểm khi bão đang đến gần.

Dự kiến Quan Lạn là xã đảo đầu tiên chịu ảnh hưởng...

Thông tin cho báo chí, ông Lưu Thành Viên - Chủ tịch UBND xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên xã đảo du lịch xa nhất Quảng Ninh, có 172 khách du lịch, trong đó có 1 khách nước ngoài còn mắc kẹt không thể về đất liền do ảnh hưởng của cơn bão số 1.

Theo ông Viên, hiện toàn bộ số khách du lịch đã được di dời đến nơi an toàn để tránh bão. UBND xã cũng đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú ký cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, không được để khách du lịch ra ngoài trong thời điểm bão số 1 đang ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương.

Theo ông Viên, xã Quan Lạn là xã đảo đầu tiên sẽ hứng chịu ảnh hưởng của bão số 1, dự kiến khoảng 22h đêm nay bão số 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực xã đảo và sẽ là đêm khó khăn nhất với người dân Quan Lạn.

Theo phóng viên Dân trí có mặt tại đảo Cô Tô, bắt đầu từ sáng nay (23/6), dịch vụ tàu cao tốc từ Cảng Cái Rồng tới Cô Tô đã tạm dừng hoạt động và chưa có thông báo về việc hoạt động trở lại của tàu. Nhiều du khách đang có mặt tại Cô Tô phải chờ bão tan, thời tiết thuận lợi mới có thể rời Cô Tô. 

Đài phát thanh Huyện đảo Cô Tô liên tục cập nhật thông tin về cơn bão số 1 trên loa. Từ sáng nay đã xuất hiện gió khá mạnh ở Cô Tô. Bãi biển Hồng Vàn sóng to khiến nhiều du khách không dám xuống tắm mà chỉ đứng ngắm cảnh và chụp ảnh. Đến 15h chiều nay, mưa khá to, gió lớn, biển động mạnh. Tuy nhiên chưa xuất hiện tình trạng cây cối bị gãy hay thiệt hại do mưa bão. 

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cô Tô đã yêu cầu khách du lịch và người dân địa phương không được tắm biển kể từ 14h chiều nay. 

Đài phát thanh huyện liên tục cập nhật về tình hình cơn bão. Lãnh đạo huyện yêu cầu các nhà nghỉ, khách sạn giảm giá dịch vụ thuê phòng và ăn uống cho du khách trong thời gian mưa bão, nghiêm cấm tình trạng chặt chém, ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Cô Tô. 

Dù được chỉ đạo từ chiều nay, nhưng vẫn chưa thấy các quán ăn, nhà nghỉ giảm giá dịch vụ mà vẫn ở mức như trước hôm có bão. Tuy nhiên, mức giá phòng và ăn uống ở đây cũng khá hợp lý. 

Do mưa bão nên thực đơn của một số quán giải khát không được đầy đủ như ngày thường, không có kem hay hoa quả....Thực đơn của một số nhà hàng cũng ít hơn, thiếu một số món khách yêu cầu. 

Theo thông tin từ Đài phát thanh huyện, hiện nay có khoảng hơn 500 du khách đang trên đảo Cô Tô, trong đó có nhiều các bạn trẻ là sinh viên. 

Nhiều đoàn có lịch rời đảo từ sáng nay nhưng hiện nay vẫn chưa về được, trong đó có đoàn của Trường Đại học FPT hiện đang ở tại Khách sạn Thái Hà. Nhiều du khách có vẻ sốt ruột vì phải ở lại thêm ngày do bão, ảnh hưởng tới việc gia đình và việc cơ quan, trong khi đó lại thêm chi phí phát sinh. 

Nhiều du khách mới đến Cô Tô từ chiều qua, chưa thăm thú được gì nhiều nên tỏ ra nuối tiếc. Một số người cảm thấy may mắn vì dù sao cũng đã kịp đi thăm các điểm du lịch tại đây trước khi bão tới. 

Điện nước tại đảo vẫn đảm bảo. 

Theo ghi nhận của phóng viên, ở Quảng Ninh thời điểm gần 21h tối nay xuất hiện những cơn mưa nhỏ, gió cũng chưa thật sự mạnh.

Nhận được tin thông báo về cơn bão đầu tiên của mùa mưa năm nay sẽ đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, nên ngay trong chiều nay 23/6, nhiều hộ gia đình đã tranh thủ đi chợ để mua thực phẩm dự trữ.

Tàu thuyền của ngư dân tập trung neo đậu tránh bão.

Nhiều hộ gia đình nghe tin bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh đã tranh thủ đi mua lương thực, thực phẩm để dự trữ

Tại một số khu vực trung tâm TP Hạ Long, khu vực cầu cảng, hàng ngàn tàu thuyền đã vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn như khu vực cảng Cái Lân, khu vực cầu Bài Thơ, khu vực đường bao biển (phường Hồng Hải, TP Hạ Long). Tuy nhiên, trên một số phương tiện của ngư dân, còn một số cháu nhỏ vẫn ở trên thuyền bè, chưa được gia đình di chuyển lên đất liền để tránh trú bão.

Tại khu vực Móng Cái, theo dự kiến ban đầu bão số 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương này nên chính quyền và các ngành chức năng cũng như người dân đã chủ động, tích cực chằng chống nhà cửa, kho tàng, neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Tuy nhiên, tính đến 18h30’ chiều nay (23/6), khu vực này vẫn “trời yên biển lặng”.

Tàu thuyền của ngư dân tập trung neo đậu tránh bão.

Tàu thuyền của ngư dân tập trung neo đậu tránh bão.

Quảng Ninh, Hải Phòng khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự kiến khoảng 22h đêm nay (23/6), nhiều khả năng bão số 1 sẽ đổ bộ vào khu vực TP Hạ Long, TP Cẩm Phả.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp thông báo tới lãnh đạo tất cả các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống bão số 1 theo các công điện của UBND tỉnh. 

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập nhiều đoàn công tác do các lãnh đạo tỉnh trực tiếp tham gia, chỉ đạo. Cho đến thời điểm này công tác phòng chống bão số 1 cũng như đối phó với sạt lở, lũ quét sau bão tại miền Đông Quảng Ninh cơ bản đã hoàn tất.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cho đến 17h chiều nay đã có 8.276 phương tiện trong đó có 312 tàu đánh bắt cá xa bờ, 546 tàu du lịch, còn lại là bè nuôi trồng thủy sản và các phương tiện khác đã về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, huy động các cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh ứng trực để đối phó bão số 1, góp phần giảm thiệt đến mức thấp nhất do bão số 1 gây nên.

Bão số 1 được dự báo là cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Vân Đồn đến Hạ Long với gió vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 11.

Theo báo cáo nhanh của TP Hạ Long, tính đến thời điểm hiện tại, các hộ nuôi trồng thủy sản đã được đưa lên đất liền và các tàu đánh bắt xa bờ đã về đến nơi tránh, trú bão an toàn.

Theo dự báo thì đây là cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, do vậy, thành phố đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; cảnh báo, thông báo cho nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó với mưa lớn, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp gia cố công trình; hạ thủy mái ta luy; phân thủy dòng chảy chống xói lở.

Đồng thời, thành phố cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản lên bờ và xây dựng các phương án phòng, chống bão để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân.

Cũng trong chiều nay 23/6, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu phải kiên quyết kêu gọi toàn bộ các phương tiện tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão, gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn; chủ động lực lượng, vật tư để phòng, chống bão. Đặc biệt, phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhất là hình thức tuyên truyền lưu động đến các khu dân cư, xã phường để người dân biết diễn biến, tình hình của bão để chủ động phòng chống. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phân công các lực lượng thường trực 24/24h, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh để tổng hợp phục vụ công tác chỉ đạo.

Tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn trước ảnh hưởng của báo số 1
Tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn trước ảnh hưởng của báo số 1

Tại Hải Phòng, công tác phòng chống bão cũng đã được triển khai ngay trong chiều 23/6. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có Công điện số 10 chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương thực hiện công tác phòng chống bão.

Theo báo cáo vào thời điểm 16h ngày 23.6 của Ủy ban Phòng chống lụt bão TP Hải Phòng ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió giật mạnh cấp 9, ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 7.

Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đến 13h00 ngày 23.6.2015 đã phối hợp thông báo, kiểm đếm cho 4.212 phương tiện, lồng bè, chòi canh với 13.707 lao động biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Trao đổi với Dân Trí, đại diện lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cho biết: Ngay từ sau khi nhận được chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của thành phố và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Biên phòng Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp khẩn cấp. Riêng tại Bạch Long Vĩ chúng tôi chỉ đạo Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ hoàn tất mọi công tác chuẩn bị trước 16h ngày 23.6.

Theo quan sát của Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ và Trạm rada Hải quân chỉ còn 06 phương tiện đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vỹ từ 04 đến 08 hải lý.

17h chiều nay, tại khu vực Đồ Sơn đã xuất hiện mưa rất to
17h chiều nay, tại khu vực Đồ Sơn đã xuất hiện mưa rất to

Tại huyện Thủy Nguyên nơi có nhiều DN đóng tàu, hiện có nhiều con tàu đã lên đà sửa chữa đã nhận được lệnh hạ thủy tàu, đưa về nơi neo đậu an toàn.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Hải Phòng cho biết đã huy động lực lượng hơn 43 nghìn người làm nhiệm vụ xung kích hộ đê, hơn 1.000 ô tô và 500 tàu thuyền cũng được huy động sẵn sàng ứng phó khi bão về.

Theo ghi nhận của PV, lúc 16h30 tại khu vực biển Đồ Sơn đã mưa to, rất to tuy nhiên thủy triều xuống thấp nên chưa xuất hiện các cột sóng lớn như những năm trước.

Tuấn Hợp - Phạm Hằng - Thu Hằng