Hàng rong TPHCM cũng ngậm ngùi trước lệnh cấm
(Dân trí) - Sau Hà Nội, hàng rong TPHCM cũng đang đối mặt với lệnh cấm trên 53 tuyến đường. Thân phận hàng rong ở đâu cũng thế, cũng ngậm ngùi lo cơm áo gạo tiền...
Sẽ cấm hàng rong trên 53 tuyến đường
Tại cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm thực hiện Năm văn minh đô thị, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - nhận định: một trong hai vấn đề trọng điểm cần giải quyết trong 6 tháng cuối năm 2008 là việc lấn chiếm lề đường làm nơi kinh doanh gây ảnh hưởng trật tự, vệ sinh công cộng, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Bà đặt ra mục tiêu là phải xây dựng cho được 13 tuyến đường kiểu mẫu cấp TP, mỗi quận huyện căn cứ vào điều kiện của địa phương cần xây dựng 1 đến 3 tuyến đường kiểu mẫu. Đến tháng 7/2008 thì số tuyến đường kiểu mẫu cấp thành tăng lên 15 đường, 16 quận huyện cũng đăng ký xây dựng 38 tuyến đường kiểu mẫu, tổng cộng là 53 tuyến.
Tiêu chí cho các tuyến đường kiểu mẫu là không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, đảm bảo vệ sinh đô thị và nâng cấp vỉa hè sạch đẹp. Tuy nhiên, các dạng hàng rong gánh trên vai, chở trên xe đạp, xe ba gác… dừng trên vỉa hè, lề đường buôn bán rất khó xử phạt. Vì khi các lực lượng chức năng đến thì họ gồng gánh, chở hàng hoá đi chỗ khác. Do vậy, TP đề xuất chủ trương cấm bán hàng rong trên 53 tuyến đường này.
Trong đợt 1, 15 tuyến đường kiểu mẫu cấp thành sẽ triển khai cấm trước. Sau đó, 38 tuyến đường kiểu mẫu cấp quận - huyện sẽ triển khai cấm trong đợt 2. Hiện nay, lệnh cấm chỉ mới chính thức thực hiện từ ngày 1/8 trên 4 tuyến trọng điểm là Lê Duẩn, Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ.
“Làm gì để tiếp tục nuôi con ăn học đây?”
Bác Lê Thị Phương quê Quảng Ngãi bán đậu hủ trên đường Lý Thường Kiệt than thở như thế khi nghe tuyến đường này nằm trong danh sách cấm. Vào TPHCM đã 17 năm, cũng chừng ấy năm đôi quang gánh đậu hủ trên vai, bác đi dọc con đường Lý Thường Kiệt kiếm khách. Cũng nhờ quang gánh đầu hủ này mà bác có thể nuôi hai đứa con ăn học.
“Nay hai đứa con của tôi đã vào đại học, cấm bán ở đây thì không biết sau này sẽ ra sao nữa. Nhiều năm nay tôi gắn bó với tuyến đường này, có nhiều mối mua hằng ngày. Nếu chuyển đi nơi khác, ban đầu phải gánh đi nhiều, chịu lỗ để làm quen địa bàn, lại phải tìm phòng trọ mới… Bây giờ yếu hơn xưa rồi, biết chịu nổi không đây” - bác Phương ngậm ngùi.
Cũng trên cùng tuyến đường này, anh Vũ Ngọc Tư đã bám trụ suốt 5 năm nay với nghề bán dừa nước dạo trên xe ba gác. Anh tâm sự: “Bán đã quen khách nên mỗi ngày cũng kiếm được chừng 100 ngàn, đủ nuôi bố mẹ và đứa em đang học cấp 2 ở quê. Nếu thành phố cấm hàng rong chắc lại về quê làm ruộng quá. Quê tui ở miền Tây nghèo lắm, làm ruộng vất vả mà chẳng đủ ăn”.
3 năm trước anh Ngô Đức Thành vào TPHCM, vốn liếng chỉ có 300 ngàn đồng, xoay sở mua được chiếc xe đẩy cũ của một người bạn rồi hành nghề bán trái cây trên đường Phan Văn Hớn đến nay. Nếu cấm bán hàng rong ở đây thì anh phải chuyển nghề. Bởi 3 năm trước anh chỉ có một mình, nay 1 vợ 1 con mà mỗi ngày không kiếm được 100 ngàn thì rất khó sống. Nếu phải chuyển chỗ bán thì mấy tháng đầu không thể kiếm được mức ấy. Vả lại, biết đi đâu nữa khi cả 53 tuyến đường lớn đều đã cấm.
15 tuyến đường cấm trong đợt 1: Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Pasteur, Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ và Nguyễn Văn Cừ.
38 tuyến do các quận huyện đề xuất: Lương Định Của, Trần Não, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Quốc Hương, Thảo Điền, xa lộ Hà Nội (Quận 2); Nguyễn Văn Luông, Hậu Giang, Kinh Dương Vương, Bình Phú (Quận 6); Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, khu vực cầu Kênh Tẻ (Quận 7); Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Tăng (Quận 9); Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Ba Tháng Hai (Quận 10); Lê Đại Hành, Lữ Gia, Ba Tháng Hai (Quận 11); Nguyễn Sơn, Lê Trọng Tấn, Vườn Lài (Tân Phú); Trường Sơn (Tân Bình); Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng (Bình Thạnh); quốc lộ 1A (Bình Chánh); Nguyễn Văn Bứa, Nguyễn Ánh Thủ, Phan Văn Hớn (Hóc Môn); Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè). |
Tùng Nguyên - Trung Kiên