(Dân trí) - Khoác lên mình mác "gói quà cảm ơn", hàng chục triệu USD thu lợi bất chính từ vụ Việt Á đã lần lượt chảy vào túi nhiều quan chức.
Những túi quà đầy cám dỗ trong vụ Việt Á được Phan Quốc Việt lần lượt đưa tận tay nhiều quan chức với mong muốn được "tạo điều kiện" trong sản xuất, phân phối kit xét nghiệm. Khoác lên mình chiếc mác "gói quà cảm ơn", hàng chục triệu USD thực chất mang tính chất hối lộ, đã được trao và nhận như một lẽ thường tình.
"Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?"
Khi phóng viên Dân trí hỏi TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về vấn đề liên quan đến những gói quà trong vụ Việt Á, ông ngay lập tức trích dẫn câu thơ cho thấy băn khoăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nhận được quà là một túi cam Thanh Hóa.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, tặng quà xưa nay được coi như một nét văn hóa đẹp, trong trường hợp không bị lạm dụng.
Nhưng nhìn từ thực tế, chuyện tặng quà, cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy tham nhũng, nói thật là như vậy.
"Với các mô hình mà quyền lực không nằm trong tay Nhà nước nhiều, chuyện ơn huệ, quà cáp thường ít hơn. Còn khi quyền năng trong Nhà nước nhiều, quan chức được giao nhiều nhiệm vụ, việc cảm ơn tất yếu sẽ nhiều hơn do yếu tố văn hóa kích hoạt, người dân và doanh nghiệp thấy họ cần phải "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", phải cảm ơn người đã giải quyết công việc giúp mình", TS Dũng phân tích.
Nhìn từ vụ Việt Á, ông Dũng nói những biến tướng, bất cập từ câu chuyện "văn hóa tặng quà" thể hiện khá rõ khi doanh nghiệp quan điểm "của đồng chia ba, của nhà chia đôi", còn nhiều quan chức dù không có ý nghĩ mặc cả, vòi vĩnh nhưng vẫn vô tư nhận vì nghĩ đó chỉ đơn giản là món quà cảm ơn.
"Tất cả những cái đó làm cho mọi chuyện trở nên nhập nhèm, thiếu rõ ràng giữa tặng quà cảm ơn và hối lộ", theo lời TS Nguyễn Sĩ Dũng.
Theo kết luận điều tra vụ Việt Á, ông chủ Việt Á là Phan Quốc Việt bị cáo buộc 15 lần trực tiếp mang tiền đi hối lộ quan chức, một số lần chuyển khoản hoặc chỉ đạo cấp dưới, nhằm được tạo điều kiện trong xin cấp phép đăng ký và bán kit xét nghiệm Covid-19.
Theo lời khai của Phan Quốc Việt, 200.000 USD đưa cho cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhằm cảm ơn vì đã tạo điều kiện cho Việt Á cùng tham gia nghiên cứu kit test.
Việt sau đó còn mang túi quà 100.000 USD đi cảm ơn Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trịnh Thanh Hùng, vì đây là người có vai trò quyết định cho Việt Á được tham gia nghiên cứu, sử dụng kết quả nghiên cứu để kinh doanh.
Với thỏa thuận ăn chia phần trăm, ông chủ Việt Á còn đưa cảm ơn Trịnh Thanh Hùng một lần nữa với túi quà trị giá 250.000 USD.
Còn 50.000 USD là số tiền Phan Quốc Việt dành để cảm ơn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc.
Từ những bất cập trong câu chuyện thực tế về những gói quà cảm ơn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng pháp luật nên có những quy định cụ thể, rõ ràng thế nào là quà cảm ơn, trường hợp nào không thể coi là quà cảm ơn.
"Thực ra, mỗi món quà khi trao và nhận, cả người đưa và người nhận đều ý thức rất rõ món quà đó mang ý nghĩa như thế nào. Nhưng để có cơ chế xử lý, tránh chuyện nhập nhèm, cần có quy định cụ thể. Ví dụ, quà có giá trị dưới 200.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng được coi là quà cảm ơn với ý nghĩa "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", còn trên mức đó không thể gọi là quà cảm ơn đơn thuần", ông Dũng góp ý.
Vị chuyên gia cũng nêu dẫn chứng một số nước có quy định rõ ràng quà tặng trị giá trên 50 USD không được coi là quà cảm ơn, mà có thể mang ý nghĩ hối lộ, mua chuộc.
Cách quy định cụ thể nội dung này, theo ông Dũng, là chuyện sòng phẳng, nên làm.
TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cũng cho rằng quà tặng vì tình cảm là một nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa truyền thống "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn".
Nhưng thực tế gần đây cho thấy truyền thống này ngày càng bị lợi dụng, biến tướng, để che giấu những hành vi đưa nhận hối lộ khó lường, không còn là món quà nhỏ thể hiện ân tình mà là những vali tiền đút lót, hối lộ, mua chuộc đầy tội lỗi.
Về mặt luật pháp, TS Đinh Văn Minh khẳng định chúng ta đã có quy định để có thể phân biệt rạch ròi từng trường hợp.
Ví dụ bạn bè giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tặng nhau món quà cảm ơn là chuyện hết sức bình thường vì giữa họ không có mối quan hệ ràng buộc về luật pháp, quà cáp với họ là tự nguyện.
Nhưng với quan chức đang giải quyết một việc nào đó lại nhận quà cáp từ người có liên quan, đương nhiên không được phép, bởi luật đã quy định cán bộ công chức không được nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào từ người liên quan công việc mình đang giải quyết.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, có một điều cần quán triệt với đội ngũ cán bộ, công chức, đó là quyền lực họ có trong tay không phải của cá nhân họ, mà do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Việc thực hiện giải quyết công việc giúp người dân, doanh nghiệp là trách nhiệm phải làm, chứ không phải là giúp đỡ cá nhân, là ban ơn để rồi nhận quà cảm ơn như một số quan chức biện bạch trước tòa. "Đó là điều cần nhận thức cho đúng", ông Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Minh, Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 59 của Chính phủ cũng nêu rõ trình tự, thủ tục với trường hợp cán bộ nhận quà vì không thể từ chối, phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
"Đương nhiên khi đưa quà, đưa tiền, không ai nói "em xin hối lộ anh" cả, mà luôn nói "em có chút quà mọn cảm ơn anh". Vì thế, phải căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể để xác định mối quan hệ giữa người tặng và người nhận có phụ thuộc, tác động qua lại lẫn nhau nhằm mục đích gì…", theo lời ông Minh.
Ông cho rằng với cán bộ, công chức, nhất là những người lãnh đạo, phải nhận thức rõ để phân biệt và có cách xử lý phù hợp quy định của pháp luật, không thể vin cớ người ta nói "cảm ơn" mà nhận. "Người có chức vụ, quyền hạn cao càng phải ý thức chuyện quà cáp để tránh tiêu cực", ông Minh nói.
Như một số trường hợp quan chức nhận quà rồi nói không biết trong gói quà đó có tiền, theo ông Minh, là không hợp lý, vì theo quy định, cán bộ phải xác định xem quà đó có nhận được hay không và phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
"Tặng quà, nhận quà không xấu, nhưng nó phải thể hiện đó thực sự là hành vi ứng xử văn hóa, phải công khai, minh bạch, rõ ràng và thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước", TS Đinh Văn Minh nói.
Phó trưởng Ban Dân nguyện, TS Lưu Bình Nhưỡng, cũng nhìn nhận quà tặng là cái gì đó mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện tình cảm, sự trân trọng và biết ơn, nhưng đó là trong trường hợp "quà tặng nằm trong phạm vi quà tặng".
Nhìn sang vụ Việt Á, ông Nhưỡng khẳng định "đó là biến tướng của quà tặng" và thực chất, món quà ấy đã nằm trong phạm trù đút lót, hối lộ.
"Với các vị quan chức liên quan vụ Việt Á, họ thừa biết khi ngươi ta mang rất nhiều tiền đến với họ, đó không còn là quà tặng thông thường mà là sự đổi chác, hối lộ", ông Nhưỡng nói.
Theo ông, với cán bộ, đặc biệt người có chức có quyền, khi nhận thấy một món quà không chỉ đơn thuần là quà tặng, phải biết cách ứng xử theo đúng quy định của pháp luật để tránh chịu hậu quả và sự xử lý về sau.
Việc Phan Quốc Việt nhiều lần mang theo những gói quà, túi tiền đến gặp cán bộ, lãnh đạo các đơn vị như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, đó thực chất là sự mua bán, đổi chác, "tôi đưa tiền cho anh, anh tạo điều kiện giúp tôi kiếm tiền".
Ông Nhưỡng nhắc lại thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19, ông có nói với Thủ tướng về việc trong quá trình chống dịch phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm ngay. Thủ tướng cũng đồng ý và có chỉ đạo, nhưng dường như các cơ quan chưa tổ chức, giám sát tốt nội dung này do bị "hút" vào việc chống dịch.
"Lẽ ra những lúc nước sôi lửa bỏng, phải giám sát chặt hơn vì thời điểm đó chúng ta thực hiện rất nhiều việc liên quan đến tài chính, tài sản và lợi ích của mọi người, làm nảy sinh nhiều bất cập trong việc xét nghiệm, tiêm vaccine. Vì có sơ hở, thiếu bao quát trong giám sát cộng với sự tha hóa quyền lực của một số cán bộ liên quan mới dẫn đến vụ Việt Á, để lại hậu quả như ngày hôm nay", ông Nhưỡng nói.
Góp ý về giải pháp, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng những biến tướng về văn hóa phải được chống bằng giải pháp văn hóa mới có thể bền vững.
Theo ông, từ xưa trong văn hóa người Việt đã coi trọng liêm sỉ, danh dự nên cần dung dưỡng, kích hoạt lại những giá trị này.
"Khi xưa, có những ông quan thanh liêm đến mức làm mương dẫn nước, cách tốt nhất là đi thẳng qua đất nhà ông quan ấy, họ sẽ chọn làm thẳng qua đất nhà mình chứ không có chuyện "đường cong mềm mại" như bây giờ", ông Dũng dẫn chứng. Theo ông, rõ ràng trong bối cảnh ấy, liêm sỉ, và thanh danh được coi trọng. Bởi vậy, việc kích hoạt lại những giá trị văn hóa này sẽ có thể ngăn chặn từ sâu xa yếu tố làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Dẫn điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh "danh dự mới là điều thiêng liêng, quý giá nhất", TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng cần truyền thông mạnh mẽ và nêu gương những người có văn hóa, trọng danh dự và liêm sỉ, để từ đó giúp hình thành nét văn hóa, chống lại sự biến tướng của văn hóa tặng quà.
Những lần đưa - nhận hối lộ trong vụ Việt Á giữa doanh nghiệp và quan chức, theo ông Dũng, cho thấy rõ một điều quyền lực đã khiến cán bộ tha hóa.
Song với góc nhìn đầy đủ hơn, ông cho rằng phải lên án cả người đưa và người nhận. Bởi người đưa quà, đưa tiền, họ thừa hiểu ý nghĩa món quà đó thực sự chỉ là cảm ơn hay là mua chuộc, hối lộ quan chức để kiếm chác, thu lợi.
Một giải pháp khác, theo góp ý của vị chuyên gia, cần một hệ thống thiết chế để việc đưa - nhận hối lộ không thể dễ dàng như hiện tại, ví dụ như hạn chế tiền mặt.
Từ vụ Việt Á có thể thấy, số tiền vi phạm phát hiện được nhiều là do giao dịch chuyển khoản nhiều, từ đó có thể truy dòng tiền đó đi thế nào. Nói cách khác, theo ông Dũng, phải có giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn tham nhũng.
Trong vụ Việt Á, một cán bộ là Phó vụ trưởng ở Bộ Khoa học và Công nghệ là người dẫn dắt ông chủ Việt Á, giới thiệu với các lãnh đạo để tạo điều kiện cho Việt Á. Bàn về kiểm soát quyền lực từ câu chuyện này, TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng có thể tiếp cận từ góc độ văn hóa.
Theo ông, ở Việt Nam hay các nước phương Đông, quan hệ là một thứ tài sản, bởi trong công việc, nếu có quan hệ, mọi thứ rất dễ, còn không, dù đúng trình tự và quy định, mọi việc vẫn khó khăn.
Vấn đề quan trọng, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, phải làm sao để không lợi dụng được các mối quan hệ nhằm trục lợi.
Dù pháp luật đã có quy định liên quan những vấn đề này và thực tế đã có nhiều người bị khởi tố vì việc này, song theo ông Dũng, cần có những quy chế nội bộ về việc "cán bộ được tiếp cận ai".
Dẫn chứng bài học kinh nghiệm từ các nước phương Tây, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết nhiều quốc gia kiểm soát xung đột lợi ích rất chặt chẽ, bất cứ cán bộ nào xác lập quan hệ mà xung đột với nghĩa vụ, chức trách của mình, đều không được phép.
"Tức là nếu anh có quyền năng tác động lên doanh nghiệp, đương nhiên anh không được tiếp xúc với doanh nghiệp, đó là quy định chống xung đột lợi ích. Thậm chí có nước quy định nếu doanh nhân được bầu là đại biểu Quốc hội, khi thảo luận về Luật thuế doanh nghiệp hay chính sách liên quan doanh nghiệp, người đó không được tham gia vì xung đột lợi ích. Đó gọi là đạo đức nghị viện", theo lời ông Dũng.
Cũng theo vị chuyên gia, cần có quy phạm tránh xung đột lợi ích trong công vụ. Ví dụ những người làm trợ lý, thư ký cho lãnh đạo mà lãnh đạo có quyền quyết định vấn đề liên quan doanh nghiệp, đương nhiên người trợ lý, thư ký đó không được tiếp xúc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu cần giải quyết công việc phải đi theo đường chính quy.
Để tránh xung đột lợi ích, ông Dũng nhấn mạnh những quy định này phải được luật hóa và nêu rõ trong quy chế hoạt động công vụ.
Về cơ bản, TS Nguyễn Sĩ Dũng khái quát "quan chức không được xác lập quan hệ với doanh nghiệp" vì đụng chạm lợi ích. Việc tiếp xúc phải được thực hiện một cách chính thức, công khai và minh bạch bởi mọi quan hệ cá nhân được thiết lập đều có thể tác động vào việc ban hành chính sách.
Tại kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đánh giá Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã buông lỏng, thiếu kiểm soát trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, trong các khâu: Phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, đơn vị phối hợp; kinh phí, theo dõi sử dụng và thanh toán kinh phí; quản lý thực hiện đề tài, xử lý kết quả thực hiện đề tài...
Bộ Y tế được xác định thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý Nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các cá nhân...
Với sự buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát tại 2 cơ quan trên, Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã lợi dụng, móc ngoặc thông đồng với lãnh đạo, cán bộ Bộ KH&CN và Bộ Y tế, để thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Vì thế, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị hai Bộ này nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quản lý sinh phẩm y tế, đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Góp ý thêm về việc kiểm soát quyền lực người đứng đầu, tránh tình trạng người đứng đầu chi phối, thao túng như vụ Việt Á, TS Đinh Văn Minh cho biết trong từng lĩnh vực, Đảng đã nghiên cứu, ban hành đề án kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Tới đây sẽ có kiểm soát quyền lực trong hoạt động giám sát, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán Nhà nước, hoạt động xây dựng pháp luật để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, lĩnh vực quản lý tài chính công, tài sản công…
"Trong tất cả lĩnh vực đó, dần dần sẽ có quy định cụ thể với kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Nhưng về nguyên tắc, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với việc xảy ra trong lĩnh vực mình quản lý, dù trực tiếp hay gián tiếp", ông Minh chia sẻ.
Nhìn vào cơ chế kiểm soát quyền lực hiện tại, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng chúng ta đã có nhưng chỉ có thể kiểm soát vào ban ngày, dưới ánh sáng mặt trời, còn chưa có cơ chế kiểm soát vào ban đêm, kiểm soát quyền lực trong bóng tối. Bởi vậy, cơ chế này chưa hoàn hảo.
Lý giải về "cơ chế kiểm soát ban đêm", ông Nhưỡng nói đó là với những cán bộ, lãnh đạo ở vị trí nhạy cảm về quyền lực và lợi ích, phải có cơ chế theo dõi và yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn. Ông đề nghị pháp luật phải quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nội dung này.