Thí điểm báo tin về mộ liệt sĩ:
Hàng ngàn gia đình liệt sĩ được báo tin về phần mộ người thân
Từ ngày 1-30/9, Cục Thương binh liệt sĩ và người có công, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện thí điểm việc báo tin mộ liệt sĩ cho gia đình các liệt sĩ ở 5 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên.
Nếu thực hiện tốt kế hoạch này, sẽ có hàng ngàn gia đình liệt sĩ nhận được tin tức phần mộ liệt sĩ của người thân. Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Thương binh liệt sĩ và người có công (Cục TBLS - NCC), có đôi lời trao đổi về vấn đề này.
Việc thí điểm báo tin mộ liệt sĩ đã được chuẩn bị như thế nào?
Hơn 1 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chuẩn bị rất kỹ cho “dự án thu thập cơ sở dữ liệu và báo tin mộ liệt sĩ”. Cụ thể, chúng tôi đã tập hợp tất cả thông tin thực tế có được ở 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, kể cả về liệt sĩ có đầy đủ thông tin, liệt sĩ không đầy đủ thông tin và liệt sĩ không có tên tuổi (liệt sĩ vô danh).
Từ đó, chúng tôi tập hợp lại và in thành danh sách các liệt sĩ và gửi đến các tỉnh, đồng thời in phiếu điều tra thông tin liệt sĩ ở các gia đình. Các điều tra viên sẽ mang phiếu đến từng gia đình để thu thập thông tin về liệt sĩ mà gia đình biết được. Sau đó, những thông tin này sẽ được khớp lại với những thông tin thu thập được từ 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, từ đó tiến hành đối chiếu để có được một danh sách thông tin chuẩn xác.
Công việc chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cẩn trọng để bảo đảm không xảy ra sai sót. Tôi muốn nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một dự án về báo tin mộ liệt sĩ trên quy mô toàn quốc. Đó cũng là tình cảm, là trách nhiệm của chúng ta.
Việc báo tin sẽ được tiến hành ra sao?
Từ danh sách liệt sĩ đã được chuẩn hóa, với những trường hợp liệt sĩ mà gia đình đã có thông tin trùng khớp với thông tin Cục TBLS - NCC thu thập được ở các nghĩa trang liệt sĩ, cục sẽ không tiến hành báo tin nữa. Đối với những trường hợp thông tin liệt sĩ chưa đầy đủ (có tên tuổi nhưng không có quê quán, có quê quán nhưng không có đơn vị…), sau khi tiến hành chuẩn hóa thông tin chúng tôi sẽ tiến hành báo tin cho các gia đình chưa biết về phần mộ liệt sĩ.
Còn đối với những liệt sĩ vô danh, chúng tôi tiếp nhận các thông tin của gia đình cung cấp, tiếp tục quản lý để sau này khi công nghệ phát triển, chúng ta sẽ tiến hành giám định gen nhằm xác định tên tuổi, quê quán của liệt sĩ và báo cho các gia đình. Báo tin mộ liệt sĩ chỉ là khâu cuối cùng của dự án trên.
Việc cung cấp tên tuổi liệt sĩ với các thông tin chủ yếu bao gồm: họ, tên, năm sinh, quê quán, ngày hy sinh và địa chỉ cụ thể phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ. Phần mộ liệt sĩ được báo tin là những phần mộ liệt sĩ đã được khẳng định và có cơ sở kiểm chứng.
Tại sao việc thí điểm báo tin mộ liệt sĩ được bắt đầu chỉ với 5 tỉnh, thành?
Trước mắt, trong suốt tháng 9, chúng tôi tổ chức báo tin trước tại 5 tỉnh Hà Giang (181 liệt sĩ); Bắc Kạn (103); Lào Cai (161); Lạng Sơn (202) và Thái Nguyên (372). Vì số lượng liệt sĩ phải báo tin của 5 tỉnh, thành này ít hơn các địa phương khác nên quá trình chuẩn hóa thông tin nhanh hơn.
Chúng tôi sẽ làm theo cách cuốn chiếu, thông tin của tỉnh nào được khớp xong thì tổ chức báo tin cho tỉnh đó, mục tiêu là đến năm 2007 sẽ báo tin xong cho tất cả 64 tỉnh, thành trong cả nước.
Chúng tôi cũng đã thành lập một tổ công tác chuyên trách để giải quyết mọi phát sinh trong quá trình báo tin giữa các địa phương và cục. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh trên đề nghị giao nhiệm vụ báo tin mộ liệt sĩ cho giám đốc Sở LĐ-TB&XH thực hiện với nguyên tắc đúng kế hoạch, chính xác và giấy báo tin được gửi trực tiếp đến gia đình liệt sĩ.
Khi được báo tin, gia đình liệt sĩ muốn đưa hài cốt về quê an táng thì giải quyết như thế nào?
Đây là vấn đề nhạy cảm. Hiện nay nhà nước có chế độ hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ. Còn trước mắt, chúng tôi đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về công tác mộ liệt sĩ, trong đó quy định trước mắt không di chuyển phần mộ liệt sĩ đã ổn định ở các nghĩa trang, vì di chuyển sẽ tạo nên một sự xáo trộn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phan Thảo
Sài Gòn Giải Phóng