Hàng loạt vấn đề cần cân nhắc liên quan cơ chế đặc thù cho TPHCM

Hoài Thu

(Dân trí) - Dù nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM phát triển, song cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉ ra hàng loạt vấn đề cần lưu ý và làm rõ.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là nội dung quan trọng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 12/5, trước khi trình ra kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẳng định sự cần thiết bởi TPHCM là đô thị đặc biệt quan trọng với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước. Chính sách vượt trội tạo bước đột phá không chỉ đối với thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra chỉ ra hàng loạt vấn đề cần lưu ý liên quan dự thảo Nghị quyết này.

Cho rằng phạm vi chính sách được đề xuất khá rộng, trên nhiều lĩnh vực, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả về mặt tích cực và cả những khó khăn, tác động không thuận nếu triển khai thực hiện, nhất là đối với các chính sách tác động đến thu chi ngân sách Nhà nước.

Hàng loạt vấn đề cần cân nhắc liên quan cơ chế đặc thù cho TPHCM - 1

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng phạm vi chính sách được đề xuất cho TPHCM khá rộng, trên nhiều lĩnh vực (Ảnh minh họa: Hoàng Giám).

Dự thảo Nghị quyết quy định 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của thành phố; Tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong Dự thảo Nghị quyết đã đủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của TPHCM hay chưa?

Vì số lượng chính sách tương đối rộng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị có sự lựa chọn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để bảo đảm chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống. Thay vào đó, cần chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới.

Cơ quan này đánh giá Dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá như đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách song cũng chỉ ở quy mô hẹp. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo.

Về tính bao quát, hợp lý của chính sách, Dự thảo tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách, các chính sách thu ngân sách (thuế, phí…), khai thác nguồn lực còn hẹp, trong khi đó TPHCM lại có đặc thù, tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc khai thác nguồn thu.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu đặc thù hợp lý, khả thi, bảo đảm góp phần cân đối nguồn lực với việc chi ngân sách.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho biết qua giám sát tối cao chuyên đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trên địa bàn TPHCM còn nhiều dự án chậm triển khai qua nhiều nhiệm kỳ, gây lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn. Điển hình như Dự án Bình Quới Thanh Đa, Dự án Nam Thành phố…

Cơ quan này vì thế đề nghị cùng với việc thí điểm cơ chế đặc thù, cần kết hợp tạo căn cứ pháp lý để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho TPHCM.

Với các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách Trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế, cơ quan thẩm tra lưu ý mặc dù TPHCM rất cần cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, song tránh tạo khoảng cách, chênh lệch quá lớn về thu nhập, chế độ, tiêu chuẩn giữa người lao động của thành phố với các địa phương.

Dự thảo nghị quyết lần này quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức cá nhân. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị rà soát, bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Dự thảo Nghị quyết có 2 loại chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể. Một là các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội.

Hai là các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại Dự thảo Nghị quyết với 4 nhóm vấn đề gồm: đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.