1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Hà Nội:

Hàng loạt cây sưa liên tục bị “truy sát”

(Dân trí) - Mới ngày hôm qua, cơ quan chức năng của Hà Nội thống kê được toàn thành phố còn 717 cây sưa. Đến sáng nay, 10/9, số cây này đã hao hụt mất một.

2 tháng, 8 cây sưa bị chặt

Đêm 9/9, một nhóm đối tượng lạ mặt đã đốn hạ một cây sưa đối diện số nhà 36 Phan Kế Bính. Đây được coi là một trong những cây sưa có đường kính lớn nhất từng bị chặt phá tại Hà Nội.

Theo số liệu mới nhất của công an TP Hà Nội, tình hình chặt hạ một số cây gỗ sưa trên địa bàn Thủ đô thời gian vừa qua trở nên đặc biệt phức tạp. 

Cây sưa có tên khoa học là Dalbergia Tonkinensis Prain, tên thường gọi là Trắc thối, Huê mộc vàng hoặc Hoàng đàn, là một loại cây quý hiếm, đã bị nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển vì mục đích thương mại.

Từ đầu tháng 7 đến nay, việc chặt trộm cây gỗ sưa đỏ có xu hướng gia tăng, đã xảy ra liên tiếp 08 vụ, hình thức ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Điển hình vụ chặt cây gỗ sưa tại phố Hoàng Đạo Thành ngày 17/8 và vụ ngày 1/9 ở phố Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm, đều vào đêm khuya và gần sáng, những hôm thời tiết mưa gió.

Đặc biệt phải kể đến trường hợp chặt hạ cây sưa có đường kính 40cm (đường kính lõi đạt tới 26 cm) nằm giữa khu tập thể Bách Khoa, xảy ra vào sáng sớm ngày 8/9. Nhóm 4 đối tượng lâm tặc trang bị đến “tận răng” với cả mũ bịt mặt, côn sắt và cưa máy xuất hiện lúc 2h sáng. Toàn bộ hành vi đốn cây và cắt gỗ của nhóm trộm này chỉ diễn ra trong khoảng 5 -7 phút. Lực lượng công an phường có mặt tại hiện trường sau khi bọn trộm đã đi khỏi khoảng 7 phút.

Trao đổi với Dân trí, một cán bộ của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội buồn bã than, một vài năm trở lại đây, cây sưa trên địa bàn Hà Nội đã bị giới lâm tặc “để ý” nhưng chưa khi nào lại xảy ra phức tạp với số lượng lớn như những tháng gần đây. Loại cây này đang được giới đầu nậu săn lùng điên cuồng để xuất lậu đi đi nước ngoài.

Giới buôn lậu gỗ kháo nhau rằng, đây là loại cây có công dụng chữa “bách bệnh” và cũng là loại hương liệu quý. Chính vì sự quý và hiếm đó, cây sưa có giá trị giao dịch tính bằng ki lô gam với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/kg.

Trước kia các vụ trộm chỉ diễn ra lẻ tẻ. Nay gỗ sưa bị hạ bởi những tay đốn chuyên nghiệp, với cưa máy hiện đại, phương tiện vận chuyển là bằng xe tải tải trọng cao, chặt đốn ngay trong khu dân cư, bất chấp sự phản ứng của người dân, thậm chí công khai đe dọa những người có ý định phản đối.

Xử nghiêm cán bộ địa phương có cây sưa bị hạ

Trao đổi với Dân trí, thượng tá Nguyễn Văn Nông - trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV (PC 15) - CATP Hà Nội khẳng định: lực lượng chức năng đã quán triệt trong việc kiểm tra xử lý các vi phạm, tội phạm đối với mặt hàng gỗ sưa. PC 15 đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, lực lượng CSKT Công an các quận, huyện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý những hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ sưa.

“Chúng tôi đã đề nghị Công ty Công viên cây xanh thông báo tới cơ quan công an từng quận, huyện về con số thống kê số lượng cây sưa trên từng địa bàn. Từ đó công tác bảo vệ sẽ chặt chẽ hơn. Việc chặt phá cây sưa xảy ra tại địa bàn nào, đơn vị chức năng tại đó phải chịu trách nhiệm trước hết”, thượng tá Nông nhấn mạnh.

Hiện PC15 (CATP Hà Nội) đang tiến hành điều tra, làm rõ một số vụ chặt phá cây sưa vừa xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội.

Có mặt tại hiện trường vụ chặt cây sưa vào sáng 8/9, một cán bộ Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, riêng năm 2007 đã có hơn 20 cây sưa trên địa bàn thành phố bị chặt trộm được phát hiện. Tuy nhiên, có nhiều cây trong số đó có đường kính rất nhỏ và hầu như không có giá trị kinh tế. Thâm chí, tại vườn ươm cầu Diễn của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội từng không ít lần bị lâm tặc lẻn vào nhổ trộm cây non, cành và lá cây sưa.

Theo cán bộ này, lõi gỗ sưa tuy rất quý nhưng chỉ những những cây có đường kính trên 30 cm mới có giá trị lớn.

Trước nạn buôn lậu và chặt trộm gỗ sưa đang hoành hành, Ban Chỉ đạo Phòng chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo 127 các địa phương và các bộ, ngành có liên quan yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng phải chỉ đạo, bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra các khu vực có nguồn gỗ hoàng đàn.
 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 717 cây sưa đỏ. Trong đó, trên đường phố có 509 cây, trong công viên vườn hoa có 208 cây (đường kính các cây gỗ sưa từ 15 đến 80cm). Quận Đống Đa có 12 cây; quận Ba Đình có 95 cây; quận Hai Bà Trưng có 45 cây; quận Hoàn Kiếm có 221 cây; quận Cầu Giấy có 121 cây; quận Hoàng Mai có 2 cây; quận Thanh Xuân có 8 cây; quận Tây Hồ có 5 cây.

 
Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm