1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM lần đầu tổ chức sơ tán dân vùng ven biển để tránh bão

(Dân trí) - Trong chiều tối 3/11, gần 700 người dân trên xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM) đã ôm đồ đạc di tản đến điểm an toàn, kiên cố trước khi cơn bão số 12 đổ bộ vào đất liền.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến 20h ngày 3/11, đảo Thạnh An vẫn không mưa, thời tiết khô ráo. Tuy nhiên để phòng tránh bão, chính quyền huyện Cần Giờ đã vận động người dân chằng chống nhà cửa, phòng tránh bão.

Sơ tán dân xã đảo Thạnh An đến nơi an toàn

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết: "Theo chỉ đạo của huyện, chiều tối xã đã vận động di dời gần 700 dân là người già, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và nhà không kiên cố đến các nơi an toàn như trường Tiểu học, THCS, THPT , UBND".

Chị Võ Thị Kim Phụng (26 tuổi, ngụ xã Thạnh An) cho biết: “Hai ngày qua ủy ban xã đã thông báo và vận động người dân đến điểm an toàn rồi. Hôm nay, nghe bão cận bờ với con tôi còn nhỏ nên phải đưa đến trường trú cho an toàn”.

Ngoài lực lượng có mặt tại xã Thạnh An thì đến chiều các lực lượng như Công an, Bộ đội biên phòng, đội ngũ y tế thuộc huyện Cần Giờ cũng khẩn trương phối hợp, huy động công tác di dân đến điểm an toàn, phòng chống bão.

Nhà dân chằng chống nhà cửa đề phòng bão số 12 đổ bộ vào đất liền
Nhà dân chằng chống nhà cửa đề phòng bão số 12 đổ bộ vào đất liền
Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa người già yếu đến trường học
Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa người già yếu đến trường học
Một bé gái ôm mền cùng mẹ đến điểm trú bão
Một bé gái ôm mền cùng mẹ đến điểm trú bão
Nhiều người già được vận động, di tản đến trường học để trú bão
Nhiều người già được vận động, di tản đến trường học để trú bão
Chị Phụng bế con đến trường để trú bão
Chị Phụng bế con đến trường để trú bão

Khánh Hoà: Hàng chục nghìn bộ đội sẵn sàng cơ động khi bão số 12 đổ bộ

Thiếu tướng Ngô Qúy Đức - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu V cho biết, hiện nay lực lượng Quân khu 5 đã tổ chức hiệp đồng và giao nhiệm vụ, sẵn sàng huy động hàng chục nghìn bộ đội cơ động làm nhiệm vụ giúp dân khi bão số 12 đổ bộ vào Nam Trung Bộ.

Chiều 3/11, tại TP Nha Trang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 12 được dự báo rất mạnh, nhiều khả năng đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ từ Phú Yên đến Ninh Thuận.

Hội nghị trực tuyến được kết nối 10 địa phương các tỉnh miền Trung, từ Quảng trị đến Bình Thuận.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT - ông Nguyễn Xuân Cường bão số 12 là cơn bão rất mạnh, đến 15h hôm nay, tâm bão cách bờ biển Nam Trung Bộ 350km và đi thẳng hướng Tây. Mức độ rủi ro thiên tai là cấp 4, chỉ sau thảm họa nên các tỉnh Nam Trung Bộ không được chủ quan.

Ông Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, kiểm soát toàn bộ khu du lịch để tránh tổn thất về cơ sở vật chất, nhất là các khu du lịch ven biển. “Tỉnh là tỉnh du lịch mà chủ quan là rất nguy hiểm”, Bộ trưởng NN&PTNT - ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Thiếu tướng Ngô Qúy Đức, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu V, cho biết lượng vũ trang quân khu sẵn sàng giúp dân khi bão số 12 đổ bộ
Thiếu tướng Ngô Qúy Đức, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu V, cho biết lượng vũ trang quân khu sẵn sàng giúp dân khi bão số 12 đổ bộ

Thiếu tướng Ngô Qúy Đức, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu V cho biết, nhằm ứng phó với bão số 12, hiện nay lực lượng Quân khu 5 đã tổ chức hiệp đồng và giao nhiệm vụ, sẵn sàng huy động hơn 44.000 lực lượng vũ trang tham gia, trong đó hơn 10.000 bộ đội, hơn 23.000 dân quân tự vệ, ngoài ra còn có 10.000 dự bị động viên; 445 phương tiện ô tô các loại, 427 phương tiện ca nô và 26 phương tiện đặc chủng để sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ giúp dân.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh quân khu 5 còn chủ động hiệp đồng với 30 đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn Quân khu V sẵn sàng huy động hơn 12.000 bộ đội, 250 phương tiện ô ô các loại, 150 ca nô... để sẵn sàng các phương án ứng phó khi bão số 12 đổ bộ vào Nam Trung Bộ.

“Ngày hôm nay, tất cả các lực lượng vũ trang quân khu đã vào vị trí tập trung và cơ động vào các vị trí tập kết. Các lực lượng chủ lực quân khu đã thường trực 24/24 tại đơn vị, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ”, Thiếu tướng Ngô Qúy Đức, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu V, cho biết.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao sự chuẩn bị của các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ trong việc ứng phó với bão số 12. Phó Thủ tướng đánh giá bão số 12 rất mạnh, nguy hiểm, tương đương với bão số 10 từng đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ. Từ đó, yêu cầu các địa phương cần chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do bão gây ra.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 12, chiều 3/11 tại Nha Trang
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 12, chiều 3/11 tại Nha Trang

Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn trong đất liền, tập trung rà soát lại các phương án sơ tán dân, nơi nào cần thì sơ tán tiếp, nhất là những khu vực ven biển, vùng trũng thấp, xung yếu. Nếu người dân nào không sơ tán thì phải kiên quyết, cưỡng chế sơ tán dân. Đồng thời, di dời người dân trên các lồng bè nuôi trồng hải sản vào bờ, bằng mọi cách đưa dân vào bờ càng sớm càng tốt.

Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh Nam Trung Bộ cần đảm bảo an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Cụ thể, lưu ý kiểm tra các hồ đập xung yếu để chủ động có giải pháp ứng phó, thứ nhất là đảm bảo an toàn cho hồ đập, điều tiết xả lũ phù hợp và có phương án sơ tán dân ở vùng hạ du.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh dự báo có bão đổ bộ cần có phương án đảm bảo an toàn cho khách du khách, nhất là tỉnh Khánh Hòa - nơi đang có rất đông du khách quốc tế lưu trú.

Tại Ninh Thuận, lãnh đạo UBND tỉnh này cho biết, từ ngày 3/11, tất cả học sinh trong toàn tỉnh được nghỉ học. Trước giờ Ninh Thuận ít có bão lũ nên cần cẩn trọng đối phó, tránh bị động. Ông Trần Minh Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh tập trung sơ tán tại chỗ.

Bí Thư thành ủy thành phố Phan Rang - Tháp Chàm Trần Minh Nam thì đang có mặt tại vùng biển để nắm bắt tình hình gió bão. Tại bãi biển Đông Hải (phường Đông Hải) hiện đã có sóng lớn.

Bình Định: Nông dân cuống cuồng khiêng mai chạy bão

Người trồng mai sợ lũ về làm hỏng mùa mai Tết này

Ghi nhận của PV Dân trí, chiều ngày 3/11, tại Bình Định tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to, mực nước trên các sông đang dâng cao. Rút kinh nghiệm từ những trận lũ cuối năm 2016, gây nhiều thiệt hại cho người trồng mai ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn). Do vậy, trước nguy cơ bão số 12 đổ bộ vào đất liền sẽ gây mưa lớn, người trồng mai nơi đây chủ động thuê nhân công ra đồng vận chuyển mai về nhà hoặc đưa lên khu vực cao ráo để tránh lũ.

Theo quan sát, tại những ruộng mai thôn Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Định…(xã Nhơn An), nhiều người dân đang gấp rút khiêng mai lên bờ, sau đó dùng xe bò, xe rùa, thậm chí chở bằng xe máy vận chuyển mai về nhà.

Người dân làng mai xã Nhơn An, thị xã An Nhơn (Bình Định) gấp rút vận chuyển mai đến nơi cao ráo để tránh lũ
Người dân làng mai xã Nhơn An, thị xã An Nhơn (Bình Định) gấp rút vận chuyển mai đến nơi cao ráo để tránh lũ

Ông Phan Văn Bảo (53 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An), cho biết: “Năm ngoái, lũ về bất ngờ khiến vườn mai 5.000 gốc của gia đình tôi ngập trong biển nước. Cây mai bị rụng lá, xấu khách chê không mua nên năm đó lỗ nặng. Mấy hôm nay trời mưa, giờ lại nghe ti vi báo có bão số 12 đổ bộ vào đất liền, dự báo mưa to trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, người dân chủ động chọn những chậu mai dáng đẹp, đủ tuổi để bán vào dịp tết năm 2018 đưa lên bờ để tránh lũ không lại mất ăn như năm ngoái”.

Đang tất bật cùng chồng khiêng hơn 100 chậu mai từ ruộng lên bờ, chị Nguyễn Thị Xuân Thắm (40 tuổi, thôn Háo Đức), cho biết: “Năm ngoái 4-5 trận lũ liên tiếp, người dân trở tay không kịp nên nhiều hộ trồng mai bị thiệt hại nặng. Riêng gia đình tôi khoảng 4.000 gốc mai nhưng chỉ kịp đưa lên bờ vài trăm chậu. Lũ lớn về còn cuốn 150 chậu mai, nhiều cây bị gãy chi, cành, lá rụng không thể bán. Người dân ở đây chủ yếu dựa vào nghề trồng mai, bao nhiêu vốn, công sức bỏ ra nên gia đình tranh thủ khi lũ chưa về đưa mai về nhà cho an toàn”.

Ông Nguyễn Tấn Ðức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) cho biết: “Xã có 5/6 thôn trồng mai, với số lượng hơn 2 triệu cây. Để chủ động phòng tránh tình trạng cây mai bị ngập úng do mưa lũ từng xảy ra vào năm 2016. Lần này, xã đã linh động thông báo, vận động người trồng mai khẩn trương di chuyển lượng mai dự tính sẽ bán vào dịp Tết năm 2018 lên khu vực có địa hình cao ráo để giảm thiểu thiệt hại nếu có lũ xảy ra. Đến chiều nay, người dân trên địa bàn xã đang gấp rút chuyển mai lên bờ để tránh lũ”.

Người dân dùng xe máy kéo mai về nhà tránh lũ
Người dân dùng xe máy kéo mai về nhà tránh lũ

Xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) được xem là “thủ phủ” mai vàng của tỉnh Bình Định, thậm chí cả nước. Thế nhưng vài năm trở lại đây, cứ đến mưa bão thường xảy ra tình trạng ngập úng, gây thiệt hại cho người trồng mai. Bà Nguyễn Thị Hương (thôn Háo Đức) cho biết: "Nguyên nhân là do việc thi công và đưa vào tuyến đường chánh quốc lộ 1A (đoạn qua thị xã An Nhơn), chẳng khác nào như một bờ đê chặn đường thoát lũ. Do vậy, hễ mưa lớn xuống là gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người dân trồng mai".

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bình Định, thời tiết khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa. Mực nước các hồ chứa Trà Xom 1, Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh lúc 10h ngày 3/11 đang thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa sông Kôn - Hà Thanh.

Đưa mai lên bờ
Đưa mai lên bờ
Mai được đưa về nhà kê lên chậu cao
Mai được đưa về nhà kê lên chậu cao

Gia Lai: Chủ động triển khai ứng phó với bão

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành công điện số 15/CĐ-UBND yêu cầu các cấp, ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, ảnh hưởng của cơn bão số 12 và chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, chính quyền địa phương cần tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 12 và chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với ảnh hưởng của bão, nhất là chủ động đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tập trung triển khai công tác ứng phó với mưa lớn gây sạt lở đất đá ở các khu vực ven sườn đồi, taluy các đường giao thông và lũ, lũ quét, lũ cô lập, sạt lở ở các khu vực ven sông, suối, vùng trũng thấp; chủ động tổ chức di dời dân vùng lũ, lũ quét, lũ cô lập, sạt lở đất đá đến nơi an toàn khi cần thiết.

Đồng thời, triển khai các phương án phòng-chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản; bảo vệ nhà cửa, kho hàng, trụ sở, công trình; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn các khu vực có nguy cơ ngập sâu, nước chảy siết. Rà soát các kế hoạch, phương án phòng-chống, ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão lũ, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mọi tình huống, sự cố bất thường do ảnh hưởng của cơn bão số 12 gây ra. Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra theo đúng quy định.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian cơn bão số 12 để kịp thời tham mưu, đề xuất việc chỉ đạo ứng phó với bão lũ; hướng dẫn địa phương thu hoạch cây trồng, hoa màu khi đã đủ độ chín, chủ động triển khai biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn chính quyền địa phương, các chủ đập thủy lợi vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, chủ động hạ mực nước hồ chứa để đón lũ, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa thủy lợi, triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập và công trình thủy lợi.

Sở Công thương có trách nhiệm đảm bảo an toàn hoạt động các cơ sở công nghiệp; chỉ đạo các chủ đập thủy điện vận hành an toàn hồ chứa thủy điện, chủ động hạ mực nước đón lũ, phối hợp điều tiết liên hồ chứa góp phần cắt giảm lũ cho vùng hạ du, không để gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa thủy điện; triển khai các biện pháp đảm bảo hệ thống truyền tải điện và lưới điện; sẵn sàng khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo cấp điện…

Phạm Hoàng

Viết Hảo - Trương Nhân - Doãn Công