1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hàng chục hộ dân ở TPHCM thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác

An Huy

(Dân trí) - Hơn 40 hộ dân sống trên đường Phú Định, quận 8 (TPHCM) đang chịu cảnh nứt nhà, nền sụt lún do ảnh hưởng của công trình thi công bờ bè dọc kênh Lò Gốm.

Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Quang (69 tuổi) ngụ số nhà 28 Phú Định, phường 16 (quận 8) sống trong cảnh bất an khi tường căn nhà cấp 4 bị nứt toác, nền sụt lún sau khi dự án làm bờ kè bến Phú Định đi qua.

Ông Quang cho biết, khoảng 2 năm trước, công nhân đến đóng cọc dọc kênh Lò Gốm để làm bờ kè bến Phú Định. Mỗi lượt đóng cọc xuống, khu dân cư tại đây rung lên bần bật như động đất.

Hàng chục hộ dân ở TPHCM thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác - 1

Ông Quang chỉ vào vết nứt lớn khiến tường căn nhà bị nghiêng (Ảnh: An Huy).

Lúc này, nhà hàng chục hộ dân xuất hiện các vết nứt khắp tường. Nhà ông cũng không thoát cảnh bị ảnh hưởng. Khu vực phòng khách, phòng ngủ, bếp nhà ông xuất hiện nhiều vết nứt dài, rộng 20-50cm.

Trong khi đó, nền nhà cũng bị lún khoảng 5cm, nhiều đoạn gạch lót nền bung lên, hư hỏng nặng. Trời mưa gió, nước theo các vết nứt tạt vào nhà, tường cũng lung lay dễ đỗ sập bất cứ lúc nào.

"Cứ trời mưa, gió là vợ chồng tôi phải sang nhà con gái gần đó ở chứ đâu dám ngủ trong nhà. Tôi sống như vậy đã 2 năm. Chủ đầu tư có bồi thường gia đình tôi 26 triệu đồng. Tuy nhiên, căn nhà hư hỏng như vậy thì số tiền kia không đủ sửa chữa", ông Quang nói.

Hàng chục hộ dân ở TPHCM thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác - 2

Vết nứt rộng khoảng 50cm, dài khoảng 3m tại bờ tường nhà ông Quang (Ảnh: An Huy).

Cách đó không xa, nhà ông Đặng Quang Thuận (48 tuổi) ở số nhà 36A Phú Định, phường 16 (quận 8) cũng bị nứt gần như toàn bộ. Các vết nứt gần nền nhà, vợ ông phải dùng băng kéo dán lại để gạch ốp tường không bung ra.

Khu vực gác lửng, hàng chục vết nứt chạy dọc bờ tường, nhiều nơi hở ra 30cm. Trong lúc sinh hoạt, vợ chồng ông và đứa con phải đi nhẹ nhàng để tránh rung lắc.

Ông Thuận cho biết, khi công nhân đóng cọc, nhiều nơi cách hiện trường 30-50m, mặt đất cũng rung lên bần bật. Những ngày đầu thi công, tường sau nhà ông bị rung lắc gần đổ sập.

Chủ đầu tư đến quan sát và nói sẽ bồi thường 70 triệu đồng để sửa chữa. Tuy nhiên, khi ông thuê thợ sửa lại hơn 100 triệu đồng thì chủ đầu tư cũng làm lơ.

Thời gian sau, nhà ông xuất hiện thêm nhiều vết nứt nghiêm trọng. Gia đình ông đã kiến nghị lên UBND phường 16 và được bồi thường chỉ 21 triệu. "Số tiền trên chẳng thấm vào đâu", ông Thuận bức xúc.

Hàng chục hộ dân ở TPHCM thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác - 3

Vết nứt tại tường nhà ông Thuận (Ảnh: An Huy).

Nhiều hộ khác trên đường Phú Định cũng giống như nhà ông Quang, ông Thuận. Có nhà đã thỏa thuận được mức đền bù với chủ đầu tư, có nhà vẫn không chấp nhận và đang trong giai đoạn thương lượng.

Sợ căn nhà sập, một số hộ phải lắp khung sắt dọc các bờ tường để chống đỡ, sống tạm trong thời gian chờ tiền đền bù.

Ông Trần Anh Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường 16 (quận 8) cho biết, việc hư hỏng nhà dân trên đường Phú Định đã diễn ra từ năm 2021. Trong các hộ dân bị thiệt hại, có 30 hộ đã được thỏa thuận để đền bù.

Công trình xây dựng bờ kè chưa xong nên khi đóng cọc có thể gây sụt lún, nứt tường trở lại. Dự kiến cuối năm 2023, khi dự án hoàn thành, phường sẽ yêu cầu chủ đầu tư khắc phục cho các hộ có nhà dân bị ảnh hưởng.

Hàng chục hộ dân ở TPHCM thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác - 4

Nền nhà của một số hộ dân cũng bị lún do ảnh hưởng của thi công bờ kè bến Phú Định (Ảnh: An Huy).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quốc Đạt, Giám đốc dự án cải thiện môi trường nước TPHCM (giai đoạn 2) cho biết, nứt nhà thì có nhiều nguyên nhân, nếu quá trình thi công mà do đơn vị gây ra thì nhà thầu sẽ có trách nhiệm khắc phục.

Nhà thầu có bảo hiểm khi làm công trình bờ kè. Những trường hợp hư nhà ban đầu, đơn vị và phía bảo hiểm đã thỏa thuận với người dân. Một số hộ đã chấp nhận và một số hộ vẫn chưa chấp nhận mức đền bù.

Tại cuộc gặp trên UBND phường, người dân yêu cầu có một đơn vị trung tâm giám định pháp nhân đánh giá, dựa trên cơ sở đó để đền bù. Nếu nhà dân hư mà đúng lỗi của nhà thầu, thì đơn vị sẽ khắc phục theo cách thỏa thuận hoặc dựa vào kết quả giám định.

"Đây là công trình trọng điểm của thành phố, giai đoạn gấp rút nên nhà thầu đang khẩn trương thi công. Chúng tôi chưa nắm được việc một số người dân nhận tiền đền bù nhưng không đủ để sửa nhà, đơn vị sẽ rà soát lại", ông Đạt nói.