1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạn mặn khắc nghiệt, người dân sống giữa sông Tiền vẫn khát thèm nước ngọt

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Nắng gắt, hạn mặn, người dân xã cù lao Tam Hiệp phải chắt chiu từng giọt nước. Họ sống giữa sông Tiền nhưng nước ngọt vẫn là thứ xa xỉ, rửa mặt cũng không được dùng đến.

Đầu giờ chiều một ngày giữa tháng 4 đỉnh điểm hạn mặn, nắng như đổ lửa, hàng trăm người dân ở xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, Bến Tre) vẫn tập trung chờ đợi giữa sân trụ sở xã chỉ để nhận một bình nước 20 lít.

Hạn mặn khắc nghiệt, người dân sống giữa sông Tiền vẫn khát thèm nước ngọt - 1

Người dân vui mừng nhận nước trong cái nắng chói chang (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Mỗi hộ chỉ được nhận một bình thôi. Lần này mạnh thường quân ủng hộ xã hơn 1.000 bình nước", ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Ban tổ chức có chừng chục người, mỗi người một việc. Có người phát phiếu, có người điểm tên, có người phát nước, có người giữ trật tự.

Hạn mặn khắc nghiệt, người dân sống giữa sông Tiền vẫn khát thèm nước ngọt - 2

UBND xã Tam Hiệp phát thư mời nhận quà là bình nước lọc tới từng hộ dân (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Phải chi chia người dân làm 2 đợt nhận nước thì đỡ, đông quá", một cán bộ phát nước chia sẻ.

Ban đầu, cán bộ xã còn sắp xếp người dân theo hàng lối, mỗi hộ cử một đại diện lên nhận phiếu để lấy nước. Rồi càng lúc người dân đến càng đông, không còn giữ được hàng lối nào nữa; tuy không xô đẩy nhưng khó tránh khỏi chen lấn.

Hạn mặn khắc nghiệt, người dân sống giữa sông Tiền vẫn khát thèm nước ngọt - 3

Các hộ dân cử đại diện cầm giấy mời đến trụ sở xã nhận quà (Ảnh; Nguyễn Cường).

Trời như đổ lửa, mặt sân bê tông nóng hầm hập, ai cũng muốn sớm nhận được nước để về nhà. Có những cụ già không thể chen vào đám đông nên tìm đến gốc cây ngồi đợi.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Thủy (76 tuổi) không có con cái, nhà cũng không gần trụ sở xã. Nghe thông báo xã phát nước nên giữa trưa nắng bà vẫn bộ đến ủy ban để điểm danh.

Hạn mặn khắc nghiệt, người dân sống giữa sông Tiền vẫn khát thèm nước ngọt - 4

Mỗi bình nước như thế này là món quà quý giá với người dân nơi đây (Ảnh: Nguyễn Cường).

Đã nhận phiếu nhưng không chen được vào đám đông để lấy nước, bà Thủy đành tìm một góc sân ngồi đợi. Dù biết phần mình vẫn có một bình nhưng nhìn dòng người cứ đến rồi đi không ngớt, bà cụ không khỏi bồn chồn.

"Tôi đau lưng, đau cổ lắm, thoái hóa phải nằm viện rồi, nhưng nghe bảo được phát nước thì mừng nên ra đây từ sớm. Nhà không con cái, ông thì không đi được.

Nước sông bây giờ mặn lắm, tưới chuối chuối còn chết mà. Bình nước này lát tôi nhờ người ta chở về cho, ông bà dùng chắt chiu chắc cũng được ba ngày", bà Thủy nói.

Hạn mặn khắc nghiệt, người dân sống giữa sông Tiền vẫn khát thèm nước ngọt - 5

Một ông cụ bê bình nước bước giữa cái nắng chói chang (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nghĩ tới bình nước sắp được nhận, mắt bà cụ đỏ hoe vì xúc động. Bà cho biết, số nước quý này ông bà chỉ để ăn uống, tuyệt đối không dùng vào việc gì khác.

Sân ủy ban xã Tam Hiệp dòng người chen nhau chật cứng. Có người vác bình nước, có người ôm, có người dùng xe đẩy, một số người còn trẻ thì nhận chở dùm bình nước cho những người già.

Hạn mặn khắc nghiệt, người dân sống giữa sông Tiền vẫn khát thèm nước ngọt - 6

Một ông cụ vui mừng vì được hỗ trợ nước, ông nhận một bình cho gia đình và 2 bình cho 2 hàng xóm (Ảnh: Nguyễn Cường).

Giữa nắng chói chang, bà Cao Thị Nguyệt (69 tuổi) đẩy xe đạp chở bình nước đi gần 2km từ ủy ban xã về nhà, mồ hôi nhễ nhại nhưng gương mặt vẫn toát lên niềm vui sướng. Bà cụ đi bước thấp bước cao nhưng không hề lộ vẻ mệt mỏi.

"Mừng lắm chú ơi, nhiêu đây nước là có ăn uống mấy ngày rồi. Năm nay mặn dữ quá, nước mặn không nấu cơm được", bà Nguyệt nói với phóng viên.

Nhà bà Nguyệt có 6 thành viên. Chồng bà Nguyệt đang bệnh nằm một chỗ, con trai cũng bị bệnh vừa phải nhập viện điều trị, 3 đứa cháu nhỏ đang tuổi ăn học.

Hạn mặn khắc nghiệt, người dân sống giữa sông Tiền vẫn khát thèm nước ngọt - 7

Nước ngọt trở nên khan hiếm và quý giá, một lu nhỏ nhưng gia đình 6 người của bà Nguyệt phải chắt chiu để đủ dùng trong nửa tháng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Bà cụ cho biết, hàng năm đến mùa nắng gia đình đều trữ nước trong các bồn bê tông và trong mương vườn. Tuy nhiên năm nay trời quá nắng, mặn cũng đến quá sớm nên số nước dự trữ đã hết sạch.

"Từ mùa nắng đến nay không dám dùng nước nhiều. Như lu nước này phải chia ra dùng đủ hơn nửa tháng, nếu không ngày sau sợ hết nước xài", bà Nguyệt vừa nói vừa mở nắp chiếc lu đựng chừng 50 lít nước cho phóng viên xem.

Lãnh đạo UBND xã Tam Hiệp cho biết, xã có đặc điểm địa lý là cù lao ở gần cửa biển sông Tiền, không tránh khỏi ảnh hưởng hạn mặn. Xã Tam Hiệp có hơn 3.300 nhân khẩu. Mùa hạn mặn năm nay, chính quyền xã bố trí 3 máy lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt với tổng công suất 25m3/ngày để cung cấp cho người dân.

Mới đây, người dân xã cù lao được mạnh thường quân hỗ trợ 800m3 nước sinh hoạt, nên tình hình khó khăn đã giảm đi rất nhiều.