ĐBSCL:
Hẩm hiu nghề câu lưới trong lũ muộn
(Dân trí) - Những ngày qua, phóng viên Dân trí đến một số địa phương được cho là vùng lũ đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp. Bà con nơi đây, từ người sống nghề câu lưới, đến bác nông dân, ông lái đò… đều không mong lũ lớn, chỉ mong có thêm nhiều tôm, cá… là lũ đẹp.
Bắt đầu câu chuyện mùa lũ, ông Kiều Văn Phước - ấp Phú Nhơn (xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang) đưa cái thùng đựng cá cho chúng tôi xem, rồi nói: “Đã cuốn 2 luồng lưới (mỗi luồng dài khoảng 80m) nhưng chưa được 2 kg cá. Cá không chỉ ít mà còn cá nhỏ nữa… nên bà con sống nghề câu lưới chúng tôi mấy năm qua hẩm hiu lắm. Đánh bắt thủy sản ở đồng nhà chỉ đủ ăn và đong được vài ký gạo sau một ngày dầm mưa đội nắng giăng câu, thả lưới”.
Đang thả mấy luồng lưới cá rô cạnh ông Phước, ông Trần Văn Tỳ - ấp Phú Nhơn cho biết thêm: “Với những người có tiền, có xuồng lớn và máy nổ, bà con sang đồng Campuchia đóng thuế rồi đánh bắt cá, may ra có tiền dư. Bà con tôi thấy lũ nhấn chìm miền trung, nhìn đau lòng lắm. Bởi vậy chúng tôi không mong lũ lớn chỉ mong tôm cá nhiều như trước đây hoặc có nghề nghiệp khác chuyển đổi là vui”.
Một cánh đồng nước mênh mong, vài chiếc xuồng câu lặng lẽ trôi mà chẳng vướng cọng bông súng nào. Thi thoảng vài đám lục bình kéo ngang, ông Tỳ, ông Phước tranh nhau kéo lên xuồng để mang về nhà ụ lươn… Chị Nguyễn Thị Lánh - xã Phú Hội làm nghề mua bán bông súng cho biết: Nước lớn, bông súng nhiều và cọng dài bà con làm nghề này sống khỏe hơn. Còn năm nay nước về trễ nên thời gian hái bông súng cũng ngắn lại, vì hết con nước rồi, nước trên đồng đã bắt đầu rút.
Chia tay cánh đồng lũ An Phú, chúng tôi đến huyện Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), nơi đây nước lũ vẫn mênh mông, người dân tranh thủ đánh bắt thủy sản trước khi nước rút. Ông Nguyễn Văn Bên – xã Thường Thới Tiền (Hồng Ngự) cho biết: Năm nay lũ về trễ, mực nước lũ cao hơn năm rồi hơn 0,5m. Mực nước này bà con chưa có cơ hội vào cụm tuyến dân cư tránh lũ cũng không phải lo nước “liếm” chân. Chỉ có điều người dân sống nghề câu, lưới khó sống hơn trước.
Bà con vùng lũ miền Tây vất vả mưu sinh mùa lũ muộn
Theo ông Bên và nhiều người dân khác cho biết, thời gian này, nếu giăng lưới cá rô cá to ít gì cũng 3 ngón tay. Còn hiện nay một luồng lưới chỉ bắt được vài con nhưng chỉ to bằng ngón chân cái… Đặc biệt là nguồn cá linh cũng giảm hơn phân nửa những năm lũ lớn, vì những năm đó một luồng lưới chừng 30m bủa lưới xuống ruộng chừng 30 phút khi cuốn lưới lên cá dính không sao gỡ xuể…
Xuôi về vùng hạ nguồn như TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… nước lũ cũng trắng đồng nhưng thấp hơn những năm lũ lớn cả 1m nước. Anh Nguyễn Thanh Hiên - ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: Cả 3-4 năm nay thanh niên trong làng bỏ nghề câu lưới trên 80%, vì lũ không về. Năm nay nước về trễ, cá, ốc… đều ít và nhỏ nên chỉ một ít hộ không ruộng đất, không nghề nghiệp cố gắng bám víu nghề câu lưới sinh sống. Riêng bà con nông dân trong xã đã rục rịch dọn đất, chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2017.
Ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết: Thực tế mấy năm qua, từ khi công nghệ tham gia vào ngành nông nghiệp, nhất là việc trồng lúa, nhiều thanh niên ở nông thôn đã rời quê lên các thành phố làm công nhân, đây là sự chuyển dịch lao động theo hướng tốt. Do vậy, hiện nay chỉ còn một số ít thanh niên hoặc những hộ không ruộng đất bám nghề câu lưới sinh sống. Riêng về mực nước lũ năm nay tôi cho là đang tốt cho ngành nông nghiệp, vì nước đủ diệt cỏ, sâu bệnh... và mang về được một lượng phù sa bồi đắp cho vụ lúa đông xuân năm sau.
Một số hình ảnh người dân vùng lũ vất vả mưu sinh:
Lũ về trễ, nghề câu lưới của bà con gặp nhiều khó khăn
Người dân chuẩn bị ngư cụ sang đồng Campuchia đặt lọp tôm
Mấy năm qua người dân đánh bắt thủy sản trên đồng nhà, may ra kiếm đủ ăn, muốn có tôm, cá nhiều phải đóng thuế sang đồng Campuchia đánh bắt
Nguyễn Hành