1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hai kịch bản khi áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Cơn áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở vùng biển của Philippines được dự báo sẽ vào Biển Đông trong sáng, trưa nay 22/10. Dự báo có 2 kịch bản xảy ra với cơn áp thấp nhiệt đới này khi vào Biển Đông.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, 1h ngày 22/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 160km về phía Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/h), giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Hai kịch bản khi áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông - 1

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: Vndms).

Liên quan đến cơn áp thấp nhiệt đới nói trên, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó phòng Thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, dự báo khoảng sáng và trưa nay, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào khu vực phía Đông của Bắc Biển Đông.

"Sau khi vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Luzon (Philippines), do đi qua vùng biển thoáng, không bị ảnh hưởng của ma sát địa hình nên áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh hơn khi vào Biển Đông", ông Thành nói.

Ngoài ra, theo ông Thành, do hiện nay khối không khí lạnh khô vẫn đang bao trùm khu vực Biển Đông, nên ít có khả năng áp thấp nhiệt đới phát triển thành cơn bão mạnh (cường độ trên cấp 10) trong những ngày tới.

Từ phân tích trên, Phó phòng Thời tiết đưa ra 2 kịch bản có thể xảy ra với cơn áp thấp nhiệt đới này.

Kịch bản số 1 (với xác suất khoảng 60-70%) xảy ra trong trường hợp áp thấp nhiệt đới tương tác với không khí lạnh, cường độ mạnh nhất sẽ đạt cấp 7 khi vào Biển Đông. Sau khi áp thấp nhiệt đới di chuyển đến khu vực quần đảo Hoàng Sa sẽ suy yếu thành vùng áp thấp. Từ hôm nay, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông cảnh báo sẽ có gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Kịch bản số 2 (xác suất khoảng 30-40%) xảy ra khi áp thấp nhiệt đới di chuyển vào Biển Đông tương tác với không khí lạnh và sẽ mạnh lên thành bão (cường độ mạnh nhất lên cấp 8-9). Sau đó duy trì cấp bão khoảng 1-2 ngày rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa và tiếp tục suy yếu khi di chuyển vào sát bờ biển các tỉnh miền Trung.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có xu hướng mạnh dần lên.

Theo đó, khoảng 11h ngày 23/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km/h. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Khu vực chịu ảnh hưởng là phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.

Đến 1h ngày 24/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20 km/h. Vị trí tâm áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Khu vực chịu ảnh hưởng là Bắc Biển Đông.

Cảnh báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (từ 48 đến 72 giờ tới): Từ 48 giờ đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, cường độ ít thay đổi.

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới trên biển: Từ đêm 21/10, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 3-5m