Hai giám đốc sở của Hà Nội nói về giải pháp "hồi sinh" sông Tô Lịch
(Dân trí) - Sau khi tách nước thải đổ vào sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, Hà Nội sẽ bổ cập nước cho các dòng sông bằng hai nguồn là từ nước thải qua xử lý được trả lại các dòng sông và từ sông Hồng.
Chiều 11/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về một số vấn đề cử tri quan tâm.
Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Hoàng Mai) đặt câu hỏi chất vấn về tính khả thi trong việc hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị thành phố đạt 50-55%.
Trả lời vấn đề này, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chương trình công tác nhiệm kỳ 2020-2025 của Thành ủy xác định, việc đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là công trình trọng điểm để hoàn thành chỉ tiêu này.
Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành gói thầu số 1, số 2; riêng gói thầu số 3 và số 4 còn chậm tiến độ, theo ông Phong.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, việc đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào vận hành từ ngày 1/12 với công suất 100.000m3/ngày/đêm đã nâng tỷ lệ xử lý nước thải nội thành đạt hơn 114.000m3/ngày/đêm, đạt xấp xỉ 41%.
Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho hay, việc hoàn thành các gói thầu nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ nâng tỷ lệ thu gom thêm được hơn 194.000m3/ngày/đêm, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị thành phố đạt 50%.
Theo ông Phong, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ đưa một số nhà máy xử lý nước thải vào hoạt động, khi đó sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải của thành phố.
"Về cơ bản, chúng ta cố gắng tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các dự án đúng tiến độ để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu", ông Phong nói.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, thành phố đang khẩn trương rà soát phê duyệt chủ trương đầu tư của một số khu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải, đồng thời chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án đã được phê duyệt.
Thu gom triệt để nước thải ở các dòng sông nội đô
Phát biểu chất vấn, đại biểu Vũ Mạnh Hải (Thường Tín) đề nghị thành phố thông tin về phương án bổ cập nước cho các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu nhằm làm sạch các dòng sông này.
Trả lời vấn đề này, ông Phong cho hay, sau khi nước thải từ sông Tô Lịch, Lừ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và sông Sét, Kim Ngưu được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở thì toàn bộ nước bổ cập cho các con sông này không có.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, Sở đang phối hợp triển khai phương án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây và bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt. Đồng thời, việc triển khai làm sạch sông Tô Lịch phải triển khai đồng bộ với các sông Lừ, Sét, Kim Ngưu.
"Trước hết phải tách toàn bộ nguồn nước thải ra 4 con sông này, sau đó bổ cập nước cho các dòng sông bằng hai nguồn. Nguồn thứ nhất là từ nước thải qua xử lý được trả lại các dòng sông, nguồn thứ hai là bổ cập nước từ sông Hồng", ông Phong nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, sở đã triển khai đồng bộ nội dung cải thiện môi trường nước 4 con sông trong nội thành.
Theo ông Nam, sở này đã cố gắng hoàn chỉnh đề án cải tạo cảnh quan các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, quá trình hoàn thiện đề án có những khó khăn nhất định nên chưa trình UBND TP Hà Nội. Trong đó, thành phố đòi hỏi giải pháp tổng thể, ngoài ra cũng cần thêm thời gian nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia.
Bên cạnh đó, còn có khó khăn trong việc cập nhật thông tin theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô; phải đảm bảo công tác quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường sinh thái 4 con sông...
Theo ông Nam, các giải pháp tổng thể cải thiện môi trường nước 4 con sông cơ bản đã hoàn chỉnh. Đầu tháng 5/2025, Sở TN&MT sẽ trình UBND TP Hà Nội đề án.
"Về giải pháp kỹ thuật là thu gom triệt để nước thải ở các dòng sông. Cùng với đó là giải pháp cải thiện môi trường nước, đặc biệt trong đó là bổ cập nước, duy trì dòng chảy để 4 con sông tự làm sạch", ông Nam cho biết.