1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hôm nay chốt phương án lấy nước sông Hồng "hồi sinh" sông Tô Lịch

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Các sở ngành của Hà Nội sẽ làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai để thống nhất giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch.

Ngày 5/12, các sở, ngành của Hà Nội sẽ làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để bàn và đưa ra giải pháp kỹ thuật tốt nhất, nhanh nhất để lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch.

Cần quan tâm chất lượng nước sông Hồng khi đưa vào hồ Tây

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, việc "rửa sạch" sông Tô Lịch là cần thiết và là mong muốn từ lâu của người dân thủ đô.

Theo ông Tứ, việc đưa nước sông Hồng vào hồ Tây là đúng đắn vì không thể dùng nước hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch, vì như vậy sẽ làm cạn nước hồ Tây. Tuy vậy, việc đưa nước sông Hồng vào hồ Tây thế nào phụ thuộc vào điều kiện địa hình, từ đó đưa ra giải pháp đường ống, máy bơm phù hợp.

Hôm nay chốt phương án lấy nước sông Hồng hồi sinh sông Tô Lịch - 1

Sông Tô Lịch đoạn chảy qua quận Cầu Giấy (Ảnh: CTV).

Ngoài ra, ông Tứ cho rằng, cơ quan chức năng cần quan tâm đến chất lượng nước sông Hồng khi đưa vào hồ Tây, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường hồ. Do đó, trước khi lấy nước từ sông Hồng cần đánh giá chất lượng nước cẩn thận để xem có phải xử lý hay không.

Còn theo đại diện UBND quận Tây Hồ, hồ Tây không có nguồn nhận nước từ sông Hồng mà chỉ có 2 cửa xả ở phố Trích Sài và phố Xuân La (thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ).

Theo vị này, phương án lấy nước sông Hồng qua hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch đang được cơ quan chức năng xây dựng. Phương án này khả thi nhưng cần có yếu tố kỹ thuật vì hiện mực nước sông Hồng đang thấp hơn mực nước tại hồ Tây.

Sẽ phát động phong trào vệ sinh

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cho biết, những ngày qua các đơn vị liên quan đã tích cực vào cuộc tìm cách khắc phục tình trạng ô nhiễm dòng sông này.

Thành phố phải quyết liệt làm để trước dịp kỷ niệm ngày 2/9/2025 sẽ có dòng sông Tô Lịch không còn màu đen, mùi hôi như bây giờ và trở thành dòng sông thơ mộng, theo Bí thư Hà Nội.

Cùng với việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch, bà Hoài cho biết thành phố sẽ phát động phong trào vệ sinh tại 8 quận huyện mà sông chảy qua.

Bà Hoài cho biết hiện trạng hai bên bờ sông rất nhếch nhác làm môi trường càng thêm ô nhiễm. Khi đã có nước sông sạch mà người dân vẫn xả rác thì không triệt để, môi trường cảnh quan vẫn ô nhiễm.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận huyện nơi dòng sông Tô Lịch đi qua cần thu gom rác ngay. Mặt trận Tổ quốc cũng phải chỉ đạo xuống các đoàn thể, hội viên phối hợp với chính quyền giải quyết cơ bản tình trạng rác thải, không vứt rác ra ngoài.

Đối với công tác bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, lãnh đạo thành phố đã quyết định triển khai dự án khẩn cấp; giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chủ tịch Hà Nội đưa ra thời hạn 3 tháng thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công hệ thống dẫn nước từ sông Hồng bổ cập vào hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

"Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện như thế nào, đến 2/9/2025 phải hoàn thành công trình. Trong quá trình thực hiện phải đặc biệt chú ý phương án bảo vệ môi trường sinh thái, hệ sinh thái hồ Tây", ông Thanh yêu cầu.

Liên quan đến vấn đề làm sạch sông Tô Lịch, theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sở đã phối hợp với Sở NN&PTNT và các ban ngành, quận huyện liên quan khảo sát vị trí hệ thống bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội đưa ra giải pháp khoan kích ngầm qua đê để làm đường ống dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây. Tuy nhiên, ông Phong cho hay, Bộ NN&PTNT không đồng ý với phương án này.

Hôm nay chốt phương án lấy nước sông Hồng hồi sinh sông Tô Lịch - 2

Hai phương án dự kiến lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch (Đồ họa: Nguyễn Hoàng Hiệp).