1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Dương: Chong đèn đi săn "lộc trời", kiếm hàng chục triệu mỗi đêm

(Dân trí) - "Tháng 9, tháng 10 đến đất Tứ Kỳ, Hải Dương mà không thưởng thức "lộc trời" thì phí phạm, không đi săn "lộc trời" thì tiếc đứt ruột".

Tứ Kỳ, Hải Dương: Chong đèn đi săn "lộc trời", kiếm chục triệu/đêm

Người dân ở vùng Tứ Kỳ, Hải Dương hay truyền tai với khách phương xa: "Tháng 9, tháng 10 đến đất này mà không thưởng thức "lộc trời" thì phí phạm, không đi săn "lộc trời" thì tiếc đứt ruột". Tiếng tăm về thứ "lộc trời" khiến ai cũng tò mò, háo hức, muốn tận tay đi săn lùng. 

Thế là khi trời vừa sập tối, chuyến hành trình săn "lộc trời" bắt đầu...

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 1

"Lộc trời" là cái tên được người dân Tứ Kỳ trân trọng dành cho thứ quà đồng quê đặc sản - con rươi. Nó là thứ đặc sản không phải vùng đất nào cũng có và cũng không phải vùng đất nào có thì cũng ngon, cũng nhiều như nơi đây.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 2

Rươi không phải thứ đặc sản đồng quê có quanh năm. Vụ thu hoạch chính của rươi chỉ kéo dài một số ngày trong tháng 9 - 10 - 11 Âm lịch.

Về Tứ Kỳ, Hải Dương vào tầm 20/9 hay 5/10 Âm lịch, không khó để bắt gặp cảnh tượng người người nhà nhà chong đèn đi săn rươi mỗi tối. Những phần ruộng trước chỉ để trồng lúa thì nay lại được cải tạo để làm rươi.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 3

Sau khi thu hoạch lúa, người dân Tứ Kỳ rải rơm xuống ruộng, cày tơi xốp đất và đào rãnh xung quanh để ruộng khô. Những "thợ săn" rươi lâu năm cho biết: cứ vào khoảng 20/9 Âm lịch hàng năm, khi thủy triều theo sông Thái Bình chảy vào ngập ruộng thì rươi nổi lên và khi nước rút sẽ theo con nước chảy ra sông.

Vì vậy khi đến dịp thu hoạch, người dân canh nước kĩ càng để kịp tháo cống rồi dùng lưới chặn bắt rươi.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 4

Người dân xây kè, đắp bờ, chia luồng lạch và đặt túi lưới ở cửa xả để rươi trôi vào.

Theo chân gia đình ông Bùi Văn Tưởng (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đi săn rươi, ông vừa thoăn thoắt kéo ròng rọc cửa xả nước vừa nói: "Bây giờ chúng tôi không dùng vợt hớt rươi như trước nữa. Chúng tôi xây các cửa đập nhỏ đưa nước từ sông Thái Bình vào ruộng. Khi rươi nổi lên thì tháo nước cho rươi chui vào túi lưới. Cứ 10 - 15 phút lại kiểm tra rồi kéo rươi lên. Thường là chỉ làm khi trời về tối thôi".

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 5

Những ngày chính vụ, với mỗi sào ruộng (360 mét vuông) nếu thời tiết thuận lợi, rươi lên đều, dân có thể thu hoạch được 40-50 kg rươi

Hiện nay, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có hơn 315 ha diện tích khai thác rươi và cáy. "Những ngày chính vụ, với mỗi sào ruộng (360 mét vuông) nếu thời tiết thuận lợi, rươi lên đều, dân có thể thu hoạch được 40-50 kg rươi", ông Tưởng cho biết thêm.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 6

“Để ruộng có nhiều rươi thì không được phun thuốc sâu và thuốc cỏ, chỉ dùng phân chuồng”, ông Tưởng cho biết.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 7

Rươi sau khi được kéo từ lưới lên sẽ được đổ vào những chậu nước sạch để rươi nhả bớt nhớt. Đây cũng là công đoạn để người dân loại chất bẩn, các loại sinh vật, thực vật bám vào.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 8

Rươi Tứ Kỳ tròn mình, mập mạp, săn chắc, thường có màu xanh và hồng đỏ.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 9

Ngay sau khi rươi được vớt lên, các lái buôn đã tập trung đến xem rươi, trả giá. Rươi vớt lên đến đâu là hết sạch đến đấy, thậm chí còn chẳng đủ bán.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 10

Rươi được coi là đặc sản trời cho, là thứ "lộc trời", bởi lẽ người dân dù kinh nghiệm lâu năm đến mấy cũng không thể đoán định được năm nào được mùa, mất mùa. Loại đặc sản này chỉ sinh sống ở môi trường sạch hoàn toàn, không bị ô nhiễm nhưng nó cũng là loại đặc sản không phải chăm sóc, không phải cho ăn, chỉ cần cải tạo mặt nước. tạo môi trường tốt nhất để rươi sinh trưởng.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 11

Hiện nay, người dân Tứ Kỳ thường đóng rươi vào các hộp 1kg rồi cấp đông để vận chuyển đi khắp nơi trên cả nước. Năm nay rươi được mùa nhưng giá rươi có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nếu tháng 10 Âm lịch năm trước, rươi có giá lên đến 530 - 550.000 đồng/kg thì năm nay chỉ dao động ở mức 400.000 đồng/kg.

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 12

Về mặt khoa học, rươi là loại giun sinh sống dưới nước, con trưởng thành dài từ 7 đến 10 cm, thân mình dẹp có màu hồng, xanh nhạt… Rươi sống dưới bùn đất trong lớp bùn đáy sông hoặc trong các ruộng nước. 

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 13

Con rươi chứa nhiều thành phần dinh dưỡng rất giàu đạm và chứa nhiều loại muối khoáng cần thiết cho cơ thể như canxi, photpho, sắt và kẽm…

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 14

Chỉ sau một đêm, người dân Tứ Kỳ có thể kiếm hàng chục triệu đồng nhờ loại đặc sản "lộc trời". Rươi Tứ Kỳ sẽ theo các tiểu thương đi khắp vùng miền trên cả nước. Loại đặc sản này là lựa chọn đắt giá trên các mâm ẩm thực đồng quê với đủ món khác nhau từ chả rươi, mắm rươi, rươi kho măng, rươi nấu canh cải...

Hải Dương: Chong đèn đi săn lộc trời, kiếm hàng chục triệu mỗi đêm - 15

Theo chân người dân Tứ Kỳ săn "lộc trời" và thưởng thức những món đặc sản thôn quê từ "lộc trời" sẽ là trải nghiệm thú vị!

Toàn Vũ