Hà Nội: Điều khủng khiếp đến từ "ô nhiễm trắng"
(Dân trí) - “Ô nhiễm trắng” là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường, xảy ra khi con người xử lý túi nilon tràn lan…
Sự tiện dụng của túi ni lông dùng một lần không còn phải bàn cãi, nó len lỏi có mặt trong cuộc sống hàng ngày và thay thế cả các loại chai lọ, thùng đựng rác...
Một xe rác với đầy chặt các loại túi ni lông lớn nhỏ đựng rác trên phố Hàng Trống. Tại Việt Nam, mỗi ngày chúng ta thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang đứng thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới.
Trước lượng rác ngày càng nhiều ở các khu dân cư, hiện tượng chằng buộc thêm nhiều loại túi ni lông trên các xe thu gom rác là rất phổ biến bên cạnh việc gia cố cho xe chở rác được nhiều hơn. Việc này giúp cho người công nhân môi trường đỡ vất vả song lại gia tăng ô nhiễm chất thải nhựa.
Những ứng dụng rất tiện lợi của túi ni lông dùng một lần trong đời sống.
Mỗi quả dứa lại được bọc túi ni lông tránh bụi trên xe bán hoa quả của người dân xuất hiện trên mọi ngả đường.
Giá thành rẻ, dẫn đến việc lạm dụng các loại túi ni lông dùng một lần. Dễ dàng bắt gặp trên đường phố hình ảnh các loại ứng dụng của túi ni lông.
Ở các khu chợ, túi ni lông sử dụng rất nhiều, đựng mọi loại thực phẩm cả đồ tươi và đã nấu chín. Gần đây các phong trào không dùng ống hút nhựa, không sử dụng túi ni lông trong siêu thị được phát động, song không duy trì được lâu.
"Hành trang" của một bà nội trợ khi vừa mua đồ xong với đủ loại túi ni lông.
Sử dụng túi ni lông tràn lan để đựng rác trong khi để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm năm.
Chất thải nhựa ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.
Hữu Nghị