1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hai cụ 90 muốn kết hôn, bị con cản trở!

Đôi bạn già kẻ chết chồng, người chết vợ định kết hôn để sống thủ thỉ với nhau. Nhà thờ và chính quyền địa phương ủng hộ nhưng con cái hai bên ngăn cản quyết liệt, thậm chí cản trở họ tiếp xúc người ngoài.

Khoảng nửa tháng nay, người dân ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) xôn xao bàn tán về một bà cụ nay đã 91 tuổi đang bị cản trở kết hôn. Người hôn phối với bà rất xứng đôi vừa lứa là một ông cụ ngang tuổi, ông này cũng rất mực thương bà và cả hai quyết tâm tiến tới. Nhưng con cái của cả hai bên đều phản đối ngăn cản. Chúng tôi đã tìm đến tận nơi tìm hiểu thực hư.

  

Cần người chia sẻ

 

Khi gặp bà chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì hình thức, dáng vẻ bà trẻ hơn số tuổi. Dáng người thon nhỏ, tay chân nhanh lẹ, giọng nói hào sảng, vẻ mặt luôn vui tươi yêu đời, bà tự giới thiệu tên Bùi Thị Vinh (Mụ Bảy), ở ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Chồng bà mất đã hơn 40 năm. Hiện bà có ba người con. Một người con ruột và hai người con nuôi, tất cả đều có gia đình và có nhà cửa ở riêng.

 

Bà Vinh kể: Thời gian gần đây, bà và ông Mười Út (Hà Văn Tới) ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, Chợ Lách rất thương nhau. Cả hai đều có ước nguyện về sống chung một mái nhà để thủ thỉ sớm tối.
 
Hai cụ 90 muốn kết hôn, bị con cản trở!

Cụ Vinh chia sẻ chỉ muốn có bạn tâm sự tuổi già mà con cái không hiểu

 

Khoảng nửa tháng trước, ông Mười Út có đem một số sính lễ đến nhà thờ Phú Phụng để nhờ cha xứ làm phép kết hôn cho ông với bà. Cha xứ đồng ý và nói: “Không có lý do nào cấm việc hai người này sống chung với nhau. Một bên chồng chết, một bên vợ cũng đã chết. Hai bên đến với nhau tự nguyện thì cha sẵn sàng tác hợp”. Nhưng ngay lúc đó, những người con của bà đến can ngăn phía nhà thờ rồi chửi bới bên ông Mười Út đủ điều.

 

Dư luận còn cho rằng sau khi bị cản trở không cho làm lễ hôn phối ở nhà thờ Phú Phụng, hai ông bà đã đi đến một nhà thờ khác xa hơn làm lễ nhưng cũng bị cản trở.

 

Ngại chuyện tài sản?

 

Phía những người con của bà Vinh cho rằng bên ông Mười Út chẳng thương yêu gì bà hết. Chẳng qua họ có ý đồ về tài sản và của cải của bà thôi. (Hiện bà Vinh có số tiền mặt hơn trăm triệu đồng đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng và đứng tên sở hữu nhà cửa, đất đai). Với lại bà nay đã già, đã lẫn lộn và không còn biết gì hết; ngày nào đi nhà thờ bà cũng thoa son, thoa phấn ăn diện như một thiếu nữ, nay lại còn đòi lấy chồng nữa. Điều đó cho thấy bà không bình thường. Cho nên tất cả đều không chấp nhận yêu cầu kết hôn của bà.

 

Chúng tôi đến nhà định tiếp chuyện với ông Mười Út thì người con trai của ông ngăn cản. Anh này tuyên bố không thông tin bất cứ điều gì về cha của mình. Hiện dư luận bên ngoài làm mất uy tín gia đình nên việc lên báo lại càng không thể.

 

Sau một hồi thuyết phục, anh này giải thích trước kia khi còn làm trong nhà bảo sanh, bà Vinh là người đỡ đầu, là người ơn của gia đình. Việc cha của anh có tình cảm với bà Vinh, gia đình không phản đối. Tình cảm đó ở mức độ nào thì tùy thuộc ở hai người nhưng vượt quá giới hạn để người khác dị nghị anh không muốn.
 
Hai cụ 90 muốn kết hôn, bị con cản trở!

 

Qua hôm sau chúng tôi lại đến gặp ông Tới, người con trai của ông cũng dứt khoát không cho chúng tôi tiếp chuyện với ông Tới. Người này nói: “Đây là chuyện gia đình chúng tôi, mấy anh không có quyền gì để đến đây bới móc”. Anh ta còn lạnh lùng tuyên bố là: “Cả hai đã hơn 90 tuổi rồi còn kết hôn chắc vô hòm luôn quá!”.

 

Người con gái ruột của bà Vinh thấy chúng tôi vừa đến liền đẩy bà Vinh từ nhà trước xuống nhà sau rồi ngăn chúng tôi lại và nói: “Đây nhà của tôi, mấy anh không được vào, xin mời mấy anh về cho. Mẹ tôi đã già, đã lẫn rồi”. Chúng tôi hỏi cơ sở nào để nói bà Vinh đã lẫn thì người này trả lời: “Tôi sống với mẹ từ nhỏ đến giờ nên tôi không biết sao”. Khi chúng tôi cho biết là chính quyền xã đã lên tiếng ủng hộ cuộc hôn nhân này thì chị này thách thức: “Xã là thằng nào. Thằng Giang hả. Để mai tôi xuống gặp nó”.

 

Luật không cấm người già kết hôn

 

Luật hôn nhân gia đình hiện hành chỉ quy định về độ tuổi thấp nhất đủ tuổi kết hôn, luật không quy định mức tối đa bao nhiêu tuổi thì không được kết hôn. Luật cấm kết hôn với người mất hành vi dân sự nhưng thế nào là mất hành vi dân sự phải được cơ quan chức năng giám định kết luận, không thể đơn phương cho là lú lẫn để cản trở. Tuy Luật Hôn nhân và Gia đình không quy định nhưng nếu ngại vướng mắc về chuyện tài sản, hai bên hôn nhân có thể có thỏa thuận riêng về tài sản theo pháp luật dân sự.

 

Việc ngăn cản kết hôn với người có đủ điều kiện kết hôn là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.

 

(Luật sư Trần Nhật Long Huy, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre)

 

Xã sẽ vận động gia đình hai bên

 

Những người con của ông Tới và bà Vinh không có tư cách nào để cản trở tâm nguyện kết hôn của hai ông bà. Đúng ra họ phải ủng hộ mới phải. Tuần tới xã sẽ tiến hành họp về vấn đề này và sẽ cử Hội Phụ nữ, tư pháp xã và Hội Người cao tuổi đến để vận động gia đình của hai ông bà.

 

(Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Phú Phụng)

 

Cần người bạn sớm hôm tâm sự

 

Các con giờ đã yên bề gia thất. Tôi hiện sống có một mình nên rất muốn có một người bạn sớm hôm tâm sự. Mới đêm kia, sau khi ngủ dậy, tôi thấy buồn và nằm khóc một mình khi nhìn xung quanh không thấy một ai bên cạnh. Sao tụi con nó không chịu hiểu cho tôi chứ!

 

(Bà Bùi Thị Vinh nói về tâm nguyện lớn nhất của bà hiện giờ)

 

Theo Văn Tâm

 Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm