1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Ảnh hưởng của bão số 5:

Hà Tĩnh bắt đầu có mưa lớn

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ rạng sáng nay, 2/10, tại địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to và kéo dài liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ. Theo thông báo từ UB PCBL tỉnh, Hà Tĩnh hiện còn có hàng chục tàu thuyền trên tổng số 2450 tàu thuyền chưa vào đến bờ để trú ẩn.

* Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin

Điều đáng nói trong số đó nhiều tàu thuyền hiện chưa liên lạc được. Chỉ tính riêng huyện Lộc Hà số tàu thuyền chưa liên lạc được lên đến 18 tàu. Thông tin từ Ban PCBL tỉnh Hà Tĩnh, chiếc tàu mang số hiệu HT1248 nằm ở toạ độ 18 vĩ độ Bắc, 1060 kinh đông trên đường vào bờ thì bị chết máy, trên tàu có hơn chục người. Hiện tàu này đã liên lạc được với Ban PCBL tỉnh để chờ ứng cứu.  

Nỗi lo lớn nhất hiện nay của Hà Tĩnh là tính mạng của hàng chuc ngàn người dân sống dọc bờ biển, hệ thống sông ngòi. Lo nhất là “rốn lũ” Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên. Do hệ thống đê điều đang thi công dở, bờ biển kéo dài nên nguy cơ nước lũ dâng cao, kéo theo triều cường sẽ cuốn trôi nhà cửa, hoa màu, hồ đập nuôi trồng thuỷ sản.

Qua điện thoại Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, ngay từ chiều hôm qua chính quyền xã đã họp lãnh đạo cán bộ cốt cán xã, xóm để huy động lực lượng tại chỗ đối phó với bão lũ. Hàng trăm thanh niên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ di dời dân khi có lệnh.

Ngoài ra, hệ thống đê điều Hà Tĩnh cũng đang nằm trong tình trạng đáng báo động, trong số đó phải kể đến các hệ thống đê điều Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hội Thống, huyện Nghi Xuân.

Tại 3 hệ thống đê nói trên hiện nhiều đoạn đang thi công dở, trong đó xung yếu nhất là 600m đê Kỳ Hà, 1km đê Cẩm Lĩnh nếu triều cường dâng cao kèm sóng mạnh nguy cơ vỡ đê là rất lớn.

Trước tình hình nói trên, sáng nay UBPCBL tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp liên lạc với chủ đầu tư, các nhà thầu huy động nhân lực tập trung vận chuyển nguyên vật liệu ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, có kế hoạch kè, chắn những đoạn đã thi công để giảm thiệt hại tới mức thấp nhất khi bão đổ bộ vào. 

Trước những diễn biến rất phức tạp của cơn bão số 5, UBND tỉnh đã có công điện khẩn gửi Ban chỉ huy PCBL các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành, Tiểu ban an toàn nghề cá, Sở Thủy sản, Ban chỉ huy PCBL tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu huy động lực lượng tập trung đối phó với bão.

Các nội dung quan trọng nhất từ công điện này đó là kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn, sơ tán neo đậu neo lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, kiên quyết không để người ở lại tại chòi canh, khu nuôi trồng thuỷ sản; chuẩn bị việc sơ tán dân khi có công lệnh; tổ chức giằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở; bố trí lực lượng hướng dẫn người đi lại qua đò ngang, ngầm, trên sông; Sở GD&ĐT chỉ đạo các địa phương cho học sinh nghỉ học tránh bão...  

Hà Tĩnh bắt đầu có mưa lớn - 1
Trời mưa to, quán hàng vắng khách, ông Trần Hữu tranh thủ di dọn để tránh bão. 

Cũng trong sáng nay, 11 đoàn cán bộ PCBL tỉnh đã lên đường về các huyện thị trong tỉnh để trực tiếp nắm bắt tình hình, chỉ đạo cán bộ và nhân dân tập trung đối phó với bão lũ.

Ngoài các huyện ven biển, Hà Tĩnh đã tập trung một đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong phòng chống bão lũ trực tiếp có mặt tại huyện Hương Khê, huyện vừa chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 4. Được biết, mục tiêu lớn nhất tại đây là không để bà con bị đói trong lũ, cũng như sẽ làm mọi cách để duy trì thông tin liên lạc, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 2. 

Quảng Bình: Di dời hơn 10.000 dân ven biển

Đêm qua và sáng nay 2/10, Quảng Bình có mưa to không ngớt, tại Lệ Thủy, lượng mưa đo được 129mm, nước trên các sông đang tiếp tục dâng cao. Trao đổi với PV lúc 12 giờ, ông Nguyễn Ngọc Giai, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống bão lụt Quảng Bình cho biết, hiện các địa phương ven biển đang khẩn trương lên kế hoạch để di dời khoảng hơn 10.000 dân sống tại các xã ven biển ở nơi xung yếu lên vùng cao ráo, an toàn để tránh bão số 5.

Trong khi đó Bộ đội biên phòng tỉnh đã hướng dẫn cho 1.934 tàu thuyền vào bờ tránh bão an toàn, hiện Quảng Bình có hơn 400 tàu thuyền các địa phương khác đang neo đậu tại các sông Nhật Lệ, Gianh, Ròon để tránh bão.

Quảng Bình vẫn còn 7 tàu với 27 thuyền viên chưa vào bờ, số tàu trên đã liên lạc về với gia đình tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch.

Cũng trong sáng nay, triều dâng đã làm cho một số đoạn kè ven biển Nhật Lệ, TP Đồng Hới bị sóng cuốn tung xuống biển. Một số cửa sông xung yếu khác như cửa sông Dinh ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch sóng biển cũng cuốn mất kè đất, bờ biển nhiều đoạn chỉ cách nhà chưa đầy 5m, uy hiếp hơn 3.000 người dân của thôn Bắc Dinh.

Văn Dũng - Minh San

Dòng sự kiện: Bão số 5 - 10/2007