“Hà Tây nhập về Hà Nội, giá đất sẽ giảm”
(Dân trí) - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng đã có những nhận định ban đầu về kế hoạch sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, theo tờ trình mới đây của Bộ Xây dựng.
Các nước trên thế giới có hai loại tổ chức về thủ đô. Loại thứ nhất là thủ đô chính trị - hành chính, trong đó thủ đô hành chính rất bé, chỉ vài vạn dân. Thứ hai, đa số các nước thì đặt thủ đô ở những vị trí thuận lợi nên đó là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị, kinh tế, du lịch…
Ở Việt Nam hiện nay có hai quan điểm khác nhau về mở rộng địa giới thủ đô. Quan điểm thứ nhất là cứ để như vậy và nâng tầm các tỉnh lân cận thành vùng vệ tinh.
Quan điểm thứ hai cho rằng Hà Nội là trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị, lịch sử của đất nước nên những thứ đồng bộ đi kèm với nó đòi hỏi phải có sự mở rộng về mặt địa giới. Hà Nội bây giờ quá chật hẹp, không "kham" nổi tốc độ phát triển tương xứng nên phải mở rộng thêm.
Hà Tây đã từng thuộc ranh giới của Hà Nội
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng về việc quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, vào giai đoạn 1975-1991 khu vực được dự kiến mở rộng địa giới Hà Nội đã từng thuộc ranh giới của Thủ đô Hà Nội.
Diện tích dự kiến được mở rộng thêm bao gồm với toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), diện tích của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Việc mở rộng địa giới thủ đô cũng chính là giải pháp cho Hà Nội khi đang bị quá tải trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở, các công trình dịch vụ công cộng, giao thông, cấp nước, thoát nước...
Theo tờ trình Chính phủ, vịêc mở rộng địa giới Thủ đô sẽ phải phù hợp với định hướng phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội; Đảm bảo có các quỹ đất lớn để phát triển.
Đáng chú ý là việc mở rộng địa giới Hà Nội phải bảo đảm tiêu chí ổn định nhanh, không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu hành chính của các địa phương liên quan. Đây cũng là vấn đề đang rất được các chính quyền địa phương liên quan quan tâm.
Sau khi Hà Nội đựơc mở rộng, hướng phát triển không gian được dự kiến theo ba khu vực: Khu vực đô thị phía Nam Sông Hồng, theo hướng chỉnh trang và mở rộng đô thị về hướng Tây- Tây Nam;
Khu vực đô thị phía bắc Sông Hồng hình thành mới trung tâm thương mại - đô thị gắn với đầu mối giao thông quốc gia tổng hợp và tham gia vào hành lang kinh tế Côn Minh- Hạ Long;
Khu vực đô thị phía Đông sông Hồng- Nam sông Đuống đáp ứng dịch vụ nhà ở gắn khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Hạn chế phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư các khu công nghiệp kĩ thuật cao gắn với sự hình thành các đô thị dịch vụ, tạo các trung tâm kinh tế công nghiệp trên các trục chính của vùng.
Lan Hương |
Quan điểm chúng tôi là ủng hộ phương án mở rộng, nhưng mở rộng như thế nào thì phải tính toán để Hà Nội thật sự trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của cả nước.
Bởi vì trước đây chúng ta cũng mở rộng rồi, trừ Hà Đông ra thì các địa phận như Quốc Oai, Sơn Tây, Mê Linh (Vĩnh Phúc) chúng ta cũng đã mở rộng.
Nhưng thời kỳ đó tỷ lệ nông nghiệp trong tỷ lệ kinh tế của thủ đô lại rất lớn, nên khi HĐND họp bàn thì vế nông nghiệp chiếm mảng quá lớn trong khi mảng xây dựng thủ đô quá hẹp.
Nhưng bây giờ lại khác, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ lớn rất mạnh so với nông nghiệp nên việc nhập trở lại sẽ có thuận lợi. Nếu thủ đô rộng hơn thì sẽ có thuận lợi với điều kiện địa chất, địa dư thì có điều kiện quy hoạch lại vùng. Bây giờ cứ loanh quanh Hà Nội thì không được.
Thưa ông, khi chúng ta sáp nhập như vậy thì liệu có bị “pha loãng” các giá trị bền vững mà Hà Nội từng có?
Vấn đề là chúng ta phải quản lý như thế nào cho phù hợp về văn hoá, lịch sử, xã hội, chính trị… Ở địa bàn thủ đô có hai loại để quản lý, một mặt là do các cơ quan trung ương quản lý, nhưng mặt khác người quản lý địa bàn thủ đô lại là địa phương. Do đó, cách quản lý phù hợp là câu hỏi mà chúng ta phải cân nhắc. Cái gì cũng có mặt được mà mặt không được.
Chúng tôi quan điểm thế này, và đó là xu hướng của đa số của các nước trên thế giới, là vẫn nên thành lập một địa bàn thủ đô vừa tầm quản lý, tức là có vị trí nhất định. Xu hướng phát triển tất yếu của xã hội đòi hỏi phải mở rộng.
Khi sáp nhập như vậy thì sẽ phát sinh những khó khăn nào, thưa ông?
Tất nhiên là có khó khăn. Ví dụ ngày xưa mảng nông nghiệp ở Hà Nội rất ít phải quan tâm, vì nó chỉ có một số xã thuộc các huyện còn nông nghiệp.
Nhưng bây giờ chúng ta thêm một loạt huyện khác mà nông nghiệp là chủ yếu nên mảng này sẽ chiếm một phần trong cơ cấu kinh tế của thủ đô. Nhưng cũng có mặt thuận lợi là khi ta quy hoạch để cung cấp các hoa quả thực phẩm sạch cho Hà Nội thì nó sẽ trở nên đồng bộ. Vấn đề là phải phân cấp, tổ chức quản lý thật tốt.
Nói như ông thì sau khi sáp nhật, cơ cấu kinh tế sẽ không có nhiều thay đổi?
Có thay đổi, nhưng không nhiều lắm. Sẽ tăng tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung, xu hướng này sẽ tăng lên nhưng chỉ trong một thời gian nhất định thì nó sẽ trở lại vị trí cũ. Bởi, ngành công nghiệp dịch vụ sẽ phát triển mạnh hơn, cán cân sẽ được cân đối.
Chúng ta có nên lấy ý kiến người dân về việc quy hoạch lại thủ đô Hà Nội, thưa ông?
Từ lâu chúng ta chưa làm tốt cái này. Việc sáp nhật, tách tỉnh, thường chưa lấy ý kiến người dân. Lấy ý kiến người dân cũng khó vì hiện nay chúng ta chưa có luật bắt buộc trưng cầu ý dân trong những vấn đề như thế, nhưng nếu lấy được ý dân thì tốt hơn.
Ông có dự báo gì khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, chẳng hạn như các công trình xây dựng, giá bất động sản?
Chúng ta có cảm giác khi Hà Tây nhập vào Hà Nội giá đất đai ở Hà Tây sẽ tăng cao. Nhưng tôi lại có dự báo lạc quan hơn: nếu làm tốt, Hà Tây sẽ giúp kéo giá bất động sản ở Hà Nội xuống.
Ở đây tăng lên sẽ không đáng kể, bởi vì anh đã “bước một bước thành người Hà Nội”, thành quận của Hà Nội rồi, khi đó diện tích đất của Hà Nội sẽ rộng ra, nên việc xử lý tình huống càng dễ hơn. Có thể giá đất ở Hà Tây có tăng lên một ít, nhưng giá Hà Nội sẽ tụt xuống, theo cách “bù lỗ” cho nhau.
Xin cám ơn ông!
Trần Hưng (thực hiện)