1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội: Xe máy sẽ nộp phí tối đa 150 nghìn đồng/năm

(Dân trí) - Theo tờ trình của UBND Hà Nội, hơn 4 triệu xe máy phải chịu 2 mức phí sử dụng đường bộ dự kiến là 100 nghìn đồng/năm và 150 nghìn đồng/năm.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, lượng xe mô tô đang lưu hành ở 29 quận, huyện khoảng hơn 4 triệu chiếc. Hiện tại so với cả nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông của thành phố đã được đầu tư xây dựng tương đối hiện đại, vốn đầu tư do ngân sách đảm bảo. Hàng năm, ngân sách thành phố phải bố trí một lượng vốn lớn để duy tu, duy trì thường xuyên hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông nhưng vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu đặt ra. Chính vì vậy, Hà Nội đề xuất HĐND thành phố mức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy tối đa theo Thông tư 197 của Bộ Tài chính.
Hà Nội dự kiến thu phí đường bộ xe máy từ 100 đến 150 nghìn đồng/năm
Hà Nội dự kiến thu phí đường bộ xe máy từ 100 đến 150 nghìn đồng/năm

Cụ thể, mức phí đối với xe mô tô (không bao gồm xe máy điện) loại có dung tích xy lanh 100 cm3, UBND thành phố Hà Nội đề xuất thu 100 nghìn đồng/năm (mức thu tại Thông tư 197 của Bộ Tài chính từ 50 đến 100 nghìn đồng/năm); Loại xe có dung tích xy lanh trên 100cm, UBND thành phố Hà Nội đề xuất thu 150 nghìn đồng/năm (mức thu tại Thông tư 197 của Bộ Tài chính từ 100 đến 150 nghìn đồng/năm).

UBND thành phố Hà Nội cho biết, UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (chủ phương tiện) trên địa bàn. Khi thu phí, cơ quan thu phí có trách nhiệm lập và cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí.

Chủ phương tiện nộp phí phương tiện như sau: Đối với xe mô tô phát sinh trước ngày 1/1/2013, thì tháng 8/2013 phải khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng. Đối với xe mô tô phát sinh từ ngày 1/1/2013 trở đi, việc khai, nộp phí thực hiện từ thời điểm phát sinh ngày 1/1 đến 30/6/2013, chủ phương tiện phải khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu phí băng nửa năm thu. Thời điểm khai nộp chậm nhất là 30/8.

Thời điểm phát sinh từ ngày 1/1 đến 30/6 hàng năm (trừ năm 2013), chủ phương tiện khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu bằng nửa năm thu (thời điểm khai, nộp chậm nhất là ngày 31/7). Thời điểm phát sinh từ 1/7 đến 31/12 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất là ngày 31/1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.

Về việc quản lý sử dụng nguồn phí thu được, đối với các phường, thị trấn được để lại 10% số phí sử dụng đường bộ thu được; Đối với các xã được để lại 20% số phí sử dụng đường bộ thu được. Số tiền còn lại cơ quan thu phí phải nộp (hàng tuần) vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ địa phương mở tại Kho bạc Nhà nước (trường hợp địa phương chưa lập Quỹ bảo trì đường bộ địa phương thì nộp vào ngân sách địa phương).

Qua khảo sát, Hà Nội dự kiến phải chi phí cho công tác thu phí theo quy định đối theo quy định đối với các phường chiếm tỷ lệ khoảng 9,2% đến 14% trên tổng số phí dự kiến thu được; đối với các xã chiếm khoảng 18% đến 20%. Nhưng do Thông tư quy định tối đa đối với các phường, thị trấn là 10%; các xã là 20% nên Hà Nội đề xuất mức để lại tối đa cho đơn vị thu. Qua 2 năm thực hiện, UBND thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra thực tế. Trường hợp cần sửa đổi sẽ báo cáo HĐND thành phố sau.

Quang Phong