Hà Nội xác minh thông tin "chợ La Khê trái phép 10 năm không ai biết"
(Dân trí) - Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xác minh, xử lý thông tin "chợ đầu mối La Khê xây trên đất công trình thủy lợi hơn 10 năm không ai biết".
Ngày 19/11, UBND TP Hà Nội có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về việc kiểm tra, xử lý thông tin "Hà Nội: Chợ đầu mối La Khê xây trên đất công trình thủy lợi hơn 10 năm không ai biết?".
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu UBND quận Hà Đông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin trên; xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) và báo cáo thành phố trước ngày 30/11.
Trước đó, báo chí phản ánh việc "chợ đầu mối La Khê" là chợ bán buôn thủy sản lớn trên địa bàn quận Hà Đông, tuy nhiên chợ lại được xây dựng trên hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Cùng với đó là nhiều công trình lều lán, ki ốt lấn chiếm trái phép.
Theo thông tin phản ánh, chợ La Khê vốn chỉ được quy hoạch là chợ hạng 3, là chợ có dưới 200 điểm kinh doanh, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận.
Việc chuyển thành chợ đầu mối khiến hoạt động buôn bán rầm rộ, xe chở hàng cỡ lớn hoạt động thường xuyên vào ban đêm đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Đáng chú ý, nhiều hạng mục của chợ là các công trình cơi nới, lấn chiếm. Toàn bộ chợ đang nằm trên hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ.
Trao đổi với báo chí, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ cho biết, chợ La Khê đã tồn tại từ rất lâu, khoảng năm 2010. Từ những năm này, công ty đã nhiều lần gửi biên bản ghi nhận cho chính quyền địa phương về những vi phạm xây dựng tại chợ.
Theo vị này, năm 2015, chợ phát sinh thêm một số vi phạm, công ty cũng đã ghi nhận biên bản gửi về chính quyền địa phương. Cũng trong năm 2015, các vi phạm như lợp lều buôn bán, dựng cột sắt... đã có giải tỏa nhưng giải tỏa xong họ lại lợp, cứ dần dần như thế.
Khẳng định việc chợ nằm trên vị trí cống thoát nước dân sinh của công trình thủy lợi, tuy nhiên vị này cho rằng, nhiệm vụ của công ty chỉ ghi nhận lập hồ sơ rồi báo cáo chính quyền địa phương chứ không có chức năng xử lý.
"Theo Luật Thủy lợi 2017 và các Pháp lệnh liên quan đến thủy lợi thì công trình phải xin ý kiến của đơn vị thủy lợi. Chúng tôi đã gửi nhiều văn bản đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa cung cấp hồ sơ", vị đại diện cho biết.