1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội "chốt" cắt điện nước loạt biệt thự, quán karaoke, vũ trường vi phạm

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Từ 1/1/2025, Hà Nội chính thức áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với 8 loại công trình vi phạm.

Cắt điện nước công trình vi phạm

Ngày 19/11, HĐND TP Hà Nội đã thông qua quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định tại Luật Thủ đô trên địa bàn thành phố.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước gồm:

Một là công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Hai là công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Với loại công trình này, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý gồm thay đổi một trong các nội dung chính được ghi trong giấy phép xây dựng như vị trí xây dựng; cốt nền xây dựng; mật độ xây dựng; diện tích xây dựng tầng 1; chiều cao công trình; chiều sâu công trình.

Thay đổi số tầng công trình (bao gồm toàn bộ các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng mái, tum thang); chiều cao các tầng công trình; tổng diện tích sàn xây dựng tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi; tổng diện tích sàn xây dựng công trình (bao gồm tổng diện tích sàn của tất cả các tầng công trình); màu sắc công trình.

Công trình vi phạm chỉ giới xây dựng hoặc chỉ giới đường đỏ.

Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

Khi điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn chịu lực chính của công trình.

Hà Nội chốt cắt điện nước loạt biệt thự, quán karaoke, vũ trường vi phạm - 1

Một công trình vi phạm ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Ngọc Nguyên).

Ba là công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Bốn là công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về PCCC, đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Năm là công trình xây dựng thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt của cơ quan thẩm quyền theo quy định của pháp luật về PCCC đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Sáu là công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về PCCC mà đã đưa vào hoạt động đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Bảy là cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Tám là công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.

Chi hơn 37 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất sau bão Yagi

Cùng ngày, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão Yagi (bão số 3) và mưa lũ sau bão.

Hà Nội chốt cắt điện nước loạt biệt thự, quán karaoke, vũ trường vi phạm - 2

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua các nghị quyết (Ảnh: CTV).

Theo tờ trình, trong quá trình rà soát, thống kê thiệt hại, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo có một số diện tích sản xuất một số chủng loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao (cây quất cảnh, cây đào cảnh, cây phật thủ, cây cảnh, chim cút, chim bồ câu…) bị thiệt hại nặng nề do bão Yagi và mưa lũ sau bão nhưng chưa được quy định cụ thể về mức hỗ trợ.

Do vậy, không có chính sách để hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nông dân sản xuất những đối tượng cây trồng, vật nuôi trên.

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do cơn bão Yagi và mưa lũ sau bão từ 30% trở lên.

Cụ thể, hỗ trợ đối với cây trồng cây quất cảnh, cây đào cảnh có chiều cao từ 70cm trở lên, cây phật thủ thời kỳ kinh doanh (từ khi cây bắt đầu ra quả).

Bên cạnh đó, hỗ trợ các loại cây trồng khác (có tên thường gọi là cây mai trắng, cây phát lộc, cây nhài nhật, cây hoa giấy, cây hoa trà, cây mai tứ quý, cây lan tiêu) và hỗ trợ đối với nuôi gia cầm như chim cút sinh sản từ 30 ngày tuổi trở lên, chim bồ câu.

Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Kinh phí hỗ trợ thực tế sẽ được cụ thể hóa trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.