1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ vẫn tăng

Hà Mỹ

(Dân trí) - Theo Chánh án TAND TP Hà Nội, số vụ án về tham nhũng phải thụ lý năm qua tăng 17 vụ và 118 bị cáo so với năm 2022, cho thấy tình hình tội phạm về tham nhũng, chức vụ vẫn có chiều hướng tăng.

Nội dung trên được Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết khi báo cáo về kết quả công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm của HĐND TP Hà Nội, sáng 5/12. 

Báo cáo thống kê từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023, TAND hai cấp TP Hà Nội thụ lý hơn 39.300 vụ việc, giải quyết trên 35.500 vụ, đạt tỷ lệ 90,38%. So với cùng kỳ năm 2022, số thụ lý tăng 493 vụ, số giải quyết tăng 740 vụ việc. 

Về riêng án hình sự, đơn vị thụ lý 9.164 vụ, tăng 206 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TAND hai cấp TP Hà Nội thụ lý 70 vụ án về tham nhũng, chức vụ với 266 bị cáo; đã giải quyết 66 vụ với 226 bị cáo. 

"So với cùng kỳ năm 2022, tăng 17 vụ án thụ lý và 118 bị cáo cho thấy tình hình tội phạm về tham nhũng, chức vụ vẫn có chiều hướng tăng", Chánh án Nguyễn Hữu Chính nêu. 

Cùng với đó, tình hình tội phạm về ma túy luôn diễn biến phức tạp và luôn là một trong các nhóm tội chiếm tỷ lệ giải quyết lớn nhất, với số lượng bị cáo bị đưa ra xét xử nhiều nhất.

Hà Nội: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ vẫn tăng - 1

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính trình bày báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP sáng 5/12 (Ảnh: Thanh Hải).

 Ông Chính nhìn nhận trong năm qua, các loại vụ việc mà TAND hai cấp TP Hà Nội thụ lý ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp. 

Các vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được Tòa án phối hợp tốt nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Ông dẫn chứng lại một số vụ án như "Chuyến bay giải cứu" với 54 bị cáo trong bị xét xử về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

"Đây là vụ án rất lớn, phức tạp nhưng chỉ trong một tháng, TAND TP đã đưa ra xét xử, phiên tòa đã diễn ra đúng tinh thần tranh tụng công khai được dư luận đánh giá cao", ông Chính nói.

Dẫn chứng thứ hai được đưa ra là vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan. Trong vụ này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn vẫn bị đưa ra xét xử về các tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thể hiện được quyết tâm trong phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Trong năm qua, TAND Hà Nội cũng xét xử vụ án Nguyễn Ngọc Hai là cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và một số cựu lãnh đạo tỉnh bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2023, TAND hai cấp thành phố vẫn còn một số vụ án quá hạn, tỷ lệ giải quyết án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại chưa cao.

Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho rằng nguyên nhân khách quan là số lượng án mà đơn vị phải giải quyết luôn ở mức rất cao, tính chất ngày càng phức tạp; một số quy định của pháp luật chưa phù hợp hoặc còn bất cập, gây khó khăn cho công tác giải quyết án...

Về cơ sở vật chất, nhiều trụ sở làm việc của các đơn vị chật hẹp, xuống cấp; điều kiện làm việc thiếu thốn hoặc không được trang bị đồng bộ.

"Nguyên nhân chủ quan là số lượng biên chế ít, trình độ thẩm phán còn chưa đồng đều, một số thẩm phán vẫn còn tư tưởng chọn những án dễ để làm trước. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành ở một số đơn vị vẫn còn chưa sát sao", theo Chánh án TAND TP Hà Nội. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm