1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bí thư Hà Nội: Lấy phiếu tín nhiệm để cán bộ "tự soi", "tự sửa" mình

Hà Mỹ

(Dân trí) - Khẳng định công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thành phố sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND bầu để cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình.

Sáng 5/12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tổ chức phiên khai mạc kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ cuối năm, dự kiến kéo dài hết ngày 8/12. 

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đây là kỳ họp quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và xem xét, quyết định những giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2024.

Đồng thời, kỳ họp cũng thông qua các cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thủ đô trong thời gian tới và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội. 

Dự kiến, HĐND thành phố sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 chức danh lãnh đạo gồm Chủ tịch HĐND thành phố, Phó chủ tịch HĐND thành phố, các trưởng Ban của HĐND thành phố; Chủ tịch UBND, các Phó chủ tịch UBND TP và các Ủy viên UBND TP.

Bí thư Hà Nội: Lấy phiếu tín nhiệm để cán bộ tự soi, tự sửa mình - 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh về công tác cán bộ trong bài phát biểu tại kỳ họp HĐND TP sáng 5/12 (Ảnh: Thanh Hải).

Theo ông Dũng, đây là hoạt động giám sát rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thông qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Tại phiên khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Bí thư Hà Nội: Lấy phiếu tín nhiệm để cán bộ tự soi, tự sửa mình - 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm của HĐND TP Hà Nội (Ảnh: Thanh Hải).

Nhấn mạnh công tác cán bộ luôn được xác định là "then chốt của then chốt", Bí thư Hà Nội cho biết thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, đề án về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị.

Cùng với đó, đơn vị có kế hoạch luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ các ban, ngành, sở và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc thành ủy giai đoạn 2024-2025; thực hiện có hiệu quả sắp xếp lại công tác tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế.

Hà Nội cũng tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại 11 đơn vị.

Ông Dũng đồng thời nhấn mạnh việc Hà Nội quyết liệt triển khai đổi mới phương thức quản lý, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động sự nghiệp; tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài các nội dung đã được đề cập cụ thể trong các báo cáo, tờ trình, Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu UBND TP tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công...

Cùng với đó, thành phố cần kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư cho các dự án không giải ngân được để chuyển bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, năm 2023, phát triển kinh tế của thủ đô đạt kết quả khá, tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 6,08%, cả năm ước tăng 6,27%, cao hơn mức bình quân của cả nước.

Thu ngân sách của Hà Nội dự kiến đạt 400.421 tỷ đồng, bằng 113,5% so với dự toán và tăng 20% so với năm 2022. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi và phát triển mạnh; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 62% so với năm 2022.

Công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhất là khởi công và triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 56 của Quốc hội. Các công trình, dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tu bổ tôn tạo di tích văn hóa được quan tâm đầu tư.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm