1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội tính làm 9 tuyến metro để cấm xe máy, ô tô vào nội đô

Hà Mỹ

(Dân trí) - Để loại bỏ xe máy, ô tô trong nội đô Hà Nội, các chuyên gia nhận định giải pháp quan trọng là tăng hiệu quả vận tải hành khách công cộng, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ làm 9 tuyến metro.

Ngày 11/4, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội phối hợp với Hội cầu đường, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tổ chức hội thảo "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh, nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện cá nhân".

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 100km metro trong hai năm

Mục tiêu của hội thảo là tìm giải pháp loại bỏ xe máy và giảm phương tiện giao thông cá nhân khác trong nội đô và trả lời câu hỏi khi nào giao thông công cộng đáp ứng mọi yêu cầu đi lại của người dân, theo ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội.

"Để loại bỏ xe máy trong giao thông nội đô, nhiều thành phố trên thế giới đã có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý", ông Rao nói và cho rằng việc nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong triển khai sẽ giúp cơ quan quản lý có giải pháp thích hợp.

Một trong những giải pháp được đưa ra là lựa chọn tuyến và phân kỳ đầu tư hợp lý, khoa học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị (metro) đã được Hà Nội quy hoạch. 

Hà Nội tính làm 9 tuyến metro để cấm xe máy, ô tô vào nội đô - 1

Ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thanh Hải).

Tuy nhiên, ông Rao lo ngại với số vốn huy động lớn, thành phố không thể làm được ngay tất cả các tuyến. Bài toán đặt ra là phân kỳ đầu tư thế nào để đảm bảo được mục tiêu.

"Theo chúng tôi, nên ưu tiên những tuyến trong nội đô. Trong 9 tuyến, những đoạn nào thuộc nội đô sẽ ưu tiên thi công trước", ông Lê Xuân Rao nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhắc lại Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt và TPHCM hoàn thành hơn 200km.

Theo ông Sơn, mục tiêu này đặt ra cho Hà Nội bài toán "không đơn giản", cần tạo ra đột phá, hoàn thiện chính sách pháp luật mới có thể làm được. 

Hà Nội tính làm 9 tuyến metro để cấm xe máy, ô tô vào nội đô - 2

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết việc hoàn thành 400km đường sắt đến năm 2035 là bài toán không đơn giản với thành phố (Ảnh: Thanh Hải).

Khẳng định Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) trong đó ưu tiên cho đường sắt đô thị, ông Sơn cho biết loại hình giao thông này có nhiều ưu điểm như: giảm ùn tắc, vận tải khối lượng lớn, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm không khí và tốc độ di chuyển nhanh giúp tiết kiệm thời gian… 

Ông Sơn nhấn mạnh đây là vấn đề mới ở Việt Nam, nên cần sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, lan tỏa ý tưởng truyền thông chính sách để người dân, các cấp lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp hiểu và chia sẻ.

"Do đó tại hội thảo này, TP Hà Nội mong muốn tập trung thảo luận về đường sắt đô thị, về những giải pháp để hai năm tới sẽ đạt mục tiêu hoàn thành 100km", Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Đề xuất nghiên cứu thẻ liên thông cho tất cả tuyến metro

Khẳng định TOD có thể củng cố nền kinh tế địa phương, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết đây là lý do các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

Thực tế cho thấy, với thời gian và chi phí đi lại giảm, mọi người có thể dành thời gian và tiền bạc tại các nhà hàng, cửa hàng, bảo tàng trong khu vực. Đây cũng là cơ hội tốt để các thành phố cải tạo cảnh quan, tái cấu trúc đô thị dọc theo hành lang của các tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn.

Hà Nội tính làm 9 tuyến metro để cấm xe máy, ô tô vào nội đô - 3

Hà Nội dự kiến vận hành thương mại đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội trước ngày 10/10 (Ảnh: Ngọc Tân).

Đồng quan điểm, TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, nhấn mạnh riêng với tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, lượng khách đi tàu đã đạt theo kịch bản tốt nhất với 35.000-36.000 hành khách/ngày, 6.000-8.000 hành khách/giờ cao điểm.

Dù vậy, để đường sắt đô thị giữ vị trí ngày càng quan trọng, ngoài các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư và giá vé ưu đãi cho hành khách, ông Trường nhấn mạnh cần sự đồng bộ về hạ tầng.

Việc này bao gồm mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị, sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân. 

Tại Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 29/3, thành phố định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ. 

Cụ thể ngoài 13 tuyến đã được đề cập trong Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội muốn bổ sung thêm một tuyến Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thái, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt, khi triển khai tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) vừa qua, vì nhiều lý do khác nhau, các bên đã không thống nhất được phương án kết nối hành khách tối ưu giữa hai dự án.

Do đó, ông Thái cho rằng điểm kết nối giữa các tuyến cần được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết từ trước, trong đó phân chia, đưa khối lượng tương ứng vào dự án đó ngay từ đầu, tránh tranh chấp và phát sinh, điều chỉnh về sau.

"Hà Nội cũng cần sớm nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về một loại hình thẻ vé áp dụng chung cho tất cả các tuyến đường sắt đô thị, về lâu dài áp dụng liên thông cho các loại hình giao thông công cộng trong toàn thành phố", ông Nguyễn Văn Thái kiến nghị.

Hà Nội tính làm 9 tuyến metro để cấm xe máy, ô tô vào nội đô - 4

Sơ đồ các tuyến đường sắt đô thị và monorail được Hà Nội quy hoạch (Đồ họa: Thủy Tiên - Hà Mỹ).