Hà Nội: Thi hành án về tiền đạt tỷ lệ rất thấp ở nhiều quận, huyện
(Dân trí) - Một số chi cục thi hành án dân sự có tỷ lệ thi hành xong về tiền đạt tỷ lệ rất thấp như quận Hoàn Kiếm, quận Cầu Giấy, huyện Thạch Thất, huyện Chương Mỹ, huyện Mê Linh,...
Thông tin từ Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho thấy những tháng đầu năm 2022, toàn thành phố thụ lý mới trên 12.000 việc, tương đương số tiền trên 13.200 tỷ đồng; đã thi hành xong gần 8.200 việc, tương đương số tiền gần 2.700 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, số việc thụ lý mới tiếp tục tăng cao, số việc chuyển kỳ sau còn nhiều.
Một số đơn vị có tỷ lệ thi hành xong về việc còn thấp như: Thạch Thất (20,7%), Đông Anh (25,6%), Chương Mỹ (25,8%), Thanh Oai (27,8%), Hai Bà Trưng (28%).
Trong khi đó, một số cơ quan thi hành án có tỷ lệ thi hành xong về tiền thấp như ở huyện Mê Linh (1,33%), quận Hoàn Kiếm (2,8%), huyện Thạch Thất (3,5%), huyện Chương Mỹ (4,4%), quận Cầu Giấy (6,2%)…
Chính vì thế, ông Phạm Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã phải chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan này và 30 chi cục thi hành án dân sự trực thuộc.
Ông Dũng yêu cầu các tổ kiểm tra công vụ thực hiện việc kiểm tra định kỳ 2 đơn vị/tháng, lập biên bản và thông báo kết quả kiểm tra công khai trên cổng thông tin điện tử. Kết luận kiểm tra sẽ được theo dõi để đánh giá, chấm điểm thi đua hàng năm của cơ quan thi hành án.
Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội sẽ tham dự các cuộc họp giao ban hàng tuần, tháng đối với chấp hành viên để nghe báo cáo các hồ sơ có khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ.
Phó cục trưởng Trần Quốc Thái được giao chỉ đạo Tổ công tác án tín dụng ngân hàng, kiểm tra các chi cục thi hành án còn tồn nhiều vụ việc đã đấu giá thành nhưng chưa được giao tài sản, những đơn vị có lượng việc, lượng tiền phải thi hành lớn (trên 2 tỷ đồng, 5 tỷ và 10 tỷ đồng), ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của toàn thành phố.
Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thanh được giao thực hiện phúc tra lại kết luận kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chưa tiếp thu, khắc phục những tồn tại, thiếu sót.