Hà Nội: Thêm những câu chuyện bị trao nhầm con ly kỳ khác
(Dân trí) - Ngoài câu chuyện tưởng chừng như là hy hữu về gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh ở quận Ba Đình, Hà Nội bị trao nhầm con cách đây 42 năm, thực tế còn có không ít gia đình đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Có gia đình may mắn tìm lại được người con thất lạc, có gia đình đến giờ vẫn mong mỏi một phép màu có thể xảy ra…
Phát hiện bị trao nhầm con nhờ linh cảm kỳ diệu
Câu chuyện trao nhầm con tại bệnh viện từ trước đến nay vẫn được xem là hy hữu. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít những trường hợp mà vì một lý do nào đó hai đứa trẻ của hai gia đình bị trao nhầm cho nhau. Có người thì may mắn phát hiện ra sự nhầm lẫn ngay tại bệnh viện nhưng cũng có không ít trường hợp bị thất lạc con mà không thể tìm ra.
Cách đây 4 năm, vào năm 2012, câu chuyện trao nhầm con tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội cũng từng khiến dư luận xôn xao. Khi đó, chị Trần Thị T. (34 tuổi, Tây Mỗ, Hà Nội) nhập viện và sinh mổ được một bé trai năng 3,4kg. Cháu bé sau đó được gắn số 550 ở cổ chân để đánh dấu.
Tuy nhiên, trong lần đầu tiên được gặp con, gia đình chị T. vô cùng hoảng hốt khi phát hiện, số thứ tự đánh dấu của con không trùng khớp với mẹ. Lúc này, các y bác sỹ tại bệnh viện mới vào cuộc điều tra, rà soát những đứa trẻ sinh cùng thời điểm sinh với con của chị T. thì phát hiện cháu bé đã bị trao nhầm cho gia đình chị Lê Kim O. (Quan Hoa, Cầu Giấy): “Con chị O. có số thẻ 585 và lúc đó cháu bé cũng đang trong phòng cách ly. Lúc gia đình tôi đến tìm, chị O. đang cho con trai tôi bú mà vẫn chưa phát hiện ra sự nhầm lẫn này”, chị T. nói.
Trao đổi với PV Dân trí, chị T. cho hay, đến bây giờ chị T. vẫn không thể quên được giây phút ấy: “Đôi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy mình may mắn và hạnh phúc, bởi nếu chồng tôi không cẩn thận kiểm tra lại mã số ở chân con thì biết đâu tôi cũng đã bị thất lạc chính con đẻ của mình…”.
Cũng là một trường hợp bị trao nhầm trong bệnh viện, anh Nguyễn Trang D. (SN1976, Yên Ninh, Hà Nội) cho biết, bằng sự linh cảm kỳ diệu của bố anh mà sự nhầm lẫn trớ trêu đã kịp thời được phát hiện: “Bố mẹ tôi kể, tôi sinh ra vào tháng 10/1976, tại nhà hộ sinh Ba Đình, Hà Nội (cùng nhà hộ sinh xảy ra vụ việc trao nhầm con hy hữu 42 năm trước - PV). Thời kỳ đó đất nước còn quá khó khăn, những đứa trẻ sau khi sinh chỉ được đánh dấu lỏng lẻo bằng những miếng nhôm, đeo ở cổ tay và chân, có thể đánh rơi bất cứ lúc nào. Ngay sau khi được hộ lý bế 1 bé trai ra để mẹ cho bú thì bố tôi nhất quyết nói nhầm. Ông vạch chân tôi để kiểm tra thì đúng là hai số thứ tự của mẹ và con không trùng khớp. Ngay lập tức, ông bắt hộ lý đưa đi tìm khắp bệnh viện. Rất may mắn là lúc đó tôi vẫn đang nằm trong phòng hộ sinh mà chưa bị gia đình nào bế nhầm cả.”, anh D. kể.
Anh D. cũng cho biết, sau này khi anh lớn, bố mẹ anh vẫn thường hay kể lại câu chuyện này như một kỷ niệm đáng nhớ ngày anh sinh ra: “Mẹ tôi nói, thời kỳ đó rất khó khăn. Các đứa trẻ sau khi sinh được đặt san sát, liền kề với nhau. Việc lưu trữ thông tin về sản phụ, gia đình cũng thô sơ, lạc hậu nên nếu bố tôi không phát hiện ra sự nhầm lẫn sớm thì cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Cái kết có hậu của một gia đình thất bị trao nhầm con
Bà Nguyễn Thị Nga (Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội) cho biết, với những ca sinh thường thì việc xảy ra nhầm lẫn là rất khó, vì khi em bé chào đời sẽ được đưa gần mẹ luôn bằng phương pháp da tiếp da nhưng với những em bé sinh mổ thì việc cách ly mẹ phải mất ít nhất một ngày. Vì thế, việc nhầm lẫn là có thể nếu các cơ sở y tế tuân thủ không nghiêm ngặt việc đánh mã số và ghi thông tin của sản phụ. Trung tâm của bà Nga từng tiếp nhận 3 trường hợp nuôi nhầm con người khác.
Nếu bạn đọc có thêm thông tin về những vụ việc trao nhầm con tương tự hay có manh mối về vụ trao nhầm con 42 năm trước, xin gửi email về địa chỉ dantri@dantri.com.vn hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng của báo điện tử Dân trí: 0973.567.567. Xin trân trọng cảm ơn!
Vị chuyên gia này nhớ lại, cách đây vài năm, bà từng trực tiếp làm giám định cho một một trường hợp. Một gia đình ở Hà Nội tìm đến trung tâm nhờ xét nghiệm ADN với mẫu móng tay tự thu thập lần lượt là “bố - mẹ - con”. Khi thấy kết quả khẳng định mẫu “con” không hề có quan hệ gì với mẫu của cả bố lẫn mẹ, cả gia đình này đều hết sức bàng hoàng và đau khổ. Khi được hỏi, thì người mẹ có tên là An cho biết, chị sinh con gái tại một nhà hộ sinh ở Hà Nội. Cả hai vợ chồng đều dồn hết tình yêu thương cho con và hết mực nuôi nấng, chăm sóc. Tuy nhiên, càng lớn người con gái này lại không có nét gì giống cả bố lẫn mẹ. Nỗi nghi ngờ này ngày càng tăng lên, cho đến khi một cuộc gặp gỡ định mệnh khiến cho người phụ nữ này có linh cảm người con gái chị đang nuôi không phải là con đẻ mình: “Trong buổi sinh nhật con gái tôi hôm đó, có rất nhiều bạn của con đến tham dự, nhưng tôi đặc biệt chú ý vào một cô bé có đôi mắt tròn xoe, và nụ cười rất duyên dáng. Không hiểu sao bằng linh cảm đặc biệt của người mẹ, tôi cảm nhận thấy có mối liên quan ràng buộc rất khó diễn tả. Em gái tôi khi đó cũng tỏ ra bất ngờ bởi những nét giống nhau như tạc giữa tôi và cô bé này.”, chị An bày tỏ với vị chuyên gia.
Bà Nga cho biết, người phụ nữ này sau đó âm thầm tìm hiểu thì phát hiện, cô bé kia có cùng ngày sinh và cùng địa điểm sinh với con gái mình. Cả hai vợ chồng đều có cùng phán đoán, rất có khả năng do một sự sơ suất nào đấy mà hai em bé đã bị bác sỹ trao nhầm tại bệnh viện: “Về sau, gia đình này đưa thêm một người phụ nữ nữa đến để làm xét nghiệm ADN tại trung tâm và điều kỳ diệu đã xảy ra. Người con gái mà gia đình chị An hết lòng yêu thương, chăm sóc bao năm qua lại chính là con đẻ của người phụ nữ này và ngược lại, cô gái chị An gặp trong buổi sinh nhật con mình mới chính là giọt máu mà chị đứt ruột đẻ ra”, bà Nga nói.
Vị chuyên gia này xúc động cho biết, cuộc gặp gỡ định mệnh đã làm thay đổi số phận của hai con người. Cho đến bây giờ, bà Nga vẫn không thể quên được giọt nước mắt hạnh phúc của hai người phụ nữ khi nhận được kết quả từ tay bà: “Tôi còn nhớ, người phụ nữ đi cùng gia đình chị An đã nắm tay tôi và khóc rất nhiều. Chị cho biết, bao năm qua chị phải chịu nỗi đau, mặc cảm vì bị chồng nghi ngờ “ngoại tình”. Anh này đã ầm thầm xét nghiệm ADN và quyết định ly hôn khi con gái không có cùng huyết thống với bố. Với kết quả này không những chị đã được giải oan mà còn may mắn tìm lại được người con đẻ của mình”.
Theo bà Nga, thông thường giữa mẹ và con luôn có những sợi dây gắn kết vô hình vì thế nhiều người trong quá trình nuôi con do linh tính mách bảo mà có thể cảm nhận đứa trẻ mình đang nuôi không có quan hệ ruột thịt. Cũng có không ít trường hợp tìm lại được người con thất lạc chỉ bởi những cảm nhận nhờ linh tính của người mẹ. Ngoài câu chuyện có hậu trên thì bà Nga cho biết, một vài trường hợp nghi ngờ bị trao nhầm con ở bệnh viện đến trung tâm bà Nga xét nghiệm cho đến nay vẫn chưa thể tìm lại được con đẻ mình: “Có những gia đình bị thất lạc con vào những thời điểm cách đây hàng chục năm nên những hồ sơ lưu trữ và thông tin về sản phụ thời gian đó không còn. Hơn nữa, vào thời kỳ đất nước có nhiều biến động, nhiều gia đình chuyển đi nơi khác, hoặc định cư ở nước ngoài nên việc tìm kiếm gần như bị mất dấu và không có manh mối. Với những trường hợp thất lạc này, có lẽ chỉ còn cách nhờ các phương tiện thông tin đại chúng công bố rộng rãi, nếu ai có cùng ngày tháng, năm sinh, địa điểm sinh giống nhau thì có thể kết nối để tìm lại”, bà Nga cho hay.
Hy hữu câu chuyện trao nhầm con 42 năm trước
Chân dung người con gái bị trao nhầm 42 năm trước
Vụ "nuôi nhầm" con suốt 42 năm: Xuất hiện những manh mối đầu tiên
Hà Trang - Xuân Ngọc