1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội tạm dừng phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm từ hôm nay

Quang Phong

(Dân trí) - Để hạn chế các hoạt động tập trung đông người nhằm phòng, chống dịch Covid-19, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa quyết định tạm dừng các hoạt động tại phố đi bộ quanh hồ Gươm từ ngày 21/8.

Ông Đinh Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - vừa yêu cầu tạm dừng phố đi bộ trên địa bàn quận. Cụ thể, để hạn chế các hoạt động tập trung đông người nhằm phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TP, quận Hoàn Kiếm tạm dừng các hoạt động tại phố đi bộ từ ngày 21/8.

Các hoạt động tại không gian đi bộ trên địa bàn quận chỉ tiếp tục được thực hiện sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Trước đó ngày 20/8, Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội ban hành Thông báo 15 kết luận về công tác phòng, chống Covid-19, trong đó có nội dung: “UBND quận Hoàn Kiếm cho tạm dừng hoạt động Phố đi bộ đến khi có chỉ đạo mới”.

Hà Nội tạm dừng phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm từ hôm nay - 1

Tạm dừng phố đi bộ để tránh các hoạt động tập trung đông người.

Chiều 21/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận huyện để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc và Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chỉ đạo hội nghị.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 19-21/8, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới. Liên quan đến trường hợp bệnh nhân tại Bệnh viện E, chiều 20/8, sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, Bộ Y tế đã rút bệnh nhân 994 ra khỏi danh sách những người mắc Covid-19 và cho phép Bệnh viện E tiếp tục hoạt động trở lại.

Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 40 bệnh viện cả công lập và tư nhân. Qua đó, 30 bệnh viện được đánh giá là bệnh viện an toàn; 7 bệnh viện an toàn ở mức thấp; 3 bệnh viện không an toàn là Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội 1, Bệnh viện mắt Việt Nhật, Bệnh viện Mắt Hi-Tech.

“3 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn nhất là trong bệnh viện và tại nhà hàng, quán ăn. Vì vậy, cần tiếp tục chủ động, kiên quyết triển khai hiệu quả, mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh nói.

Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch được xem là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bà Ngọc đề nghị, cấp ủy và người đứng đầu các đơn vị phải coi phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, quán triệt kết luận mới nhất của Thành ủy.

“Trên cùng một con phố mà có chỗ làm tốt, chỗ vẫn bán hàng vỉa hè, không đảm bảo giãn cách. Các quận huyện căn cứ vào quy định của thành phố kiểm tra và xử lý các vi phạm nhất là các hàng quán vỉa hè”, bà Ngọc nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nêu 2 bài học lại trường hợp ở Bệnh viện E. Thứ nhất, ngay khi có thông tin, các đơn vị đã thực hiện đồng bộ công tác; trong 1 đêm rà soát và đưa các trường hợp F1 đi cách ly, tổ chức cách ly F2 tại nhà. Thứ hai, qua xét nghiệm các y bác sỹ; bệnh nhân có bệnh nền nặng đều âm tính.

Ông Quý kết luận trong bệnh viện của TP Hà Nội không có nguồn lây. Tuy nhiên việc bệnh nhân đi qua 4 khoa ở bệnh viện này cũng rất đáng lo ngại và ngay ngày mai (22/8) TP sẽ mời Bộ Y tế cùng họp với tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Lưu ý, Sở Y tế và Sở Giáo dục còn chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn về phòng chống dịch cho các cơ sở giáo dục để phục vụ khai giảng năm học mới, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu chậm nhất đến thứ hai phải ban hành văn bản này.

“Phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục rất quan trọng vì đây là nơi tập trung đông học sinh, phải có hướng dẫn thật cụ thể”, ông Quý nói.