Hà Nội sẽ thu hồi đất trường học bị chủ đầu tư "ôm" để đầu tư công
(Dân trí) - Hà Nội đang tiến hành rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố, đồng thời sẽ ra quyết định thu hồi đối với các dự án đang "ôm đất"; đối với đất trường học sẽ thu hồi để đầu tư công.
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội diễn ra chiều 9/9, báo giới đề cập lại thực trạng quận Hoàng Mai thiếu 36 trường học, trong bối cảnh chung cư "mọc như nấm", hạ tầng chưa đáp ứng nhưng đất xây trường bị chủ đầu tư bỏ hoang. Vậy, thành phố có định thu hồi đất bị chủ đầu tư bỏ hoang không?
429 chung cư "nhồi" vào quận Hoàng Mai
Chia sẻ về "hoàn cảnh" trên địa bàn, ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết dân số quận Hoàng Mai hiện theo điều tra xã hội học là trên 700 nghìn người; bình quân mỗi năm tăng khoảng hơn 17.500 người.
"Mật độ dân số ở vùng đông nhất ở quận là 12.900 người/km2, chưa kể số lượng người dân tạm trú trên địa bàn" - ông Thái cho hay.
Theo lãnh đạo quận Hoàng Mai, trên địa bàn có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 nhà chung cư cũ, trong khi đó, có chung cư vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 tòa chung cư và sắp tới có thêm 5 tòa nhà được đưa vào sử dụng.
Tổng số trẻ trong độ tuổi mầm non chưa đi học, số học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 và lớp 6 theo điều tra phổ cập trên địa bàn là trên 31.600 học sinh. Trong đó, số trẻ trong độ tuổi chưa đi học qua điều tra phổ cập trên địa bàn là gần 12.800 trẻ.
Riêng phường Hoàng Liệt có 92.000 dân, diện tích 4,89 km2, nhưng số trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường là 8.155 trẻ. Toàn phường Hoàng Liệt có 11 trường và 79 nhóm lớp mầm non ngoài công lập.
Trường mầm non Hoàng Liệt năm học 2022 - 2023 bao gồm 4 cơ sở, đáp ứng tối đa 559 trẻ, trong đó trẻ 3- 4 tuổi là 333 trẻ. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ đăng ký là hơn 700 cháu nên trường và phụ huynh đã thống nhất phương án bốc thăm. Số trẻ còn lại, phường đã vận động phụ huynh đưa trẻ đi học tại các trường, nhóm lớp ngoài công lập.
"Đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư ở khu đô thị, tòa nhà cam kết xây dựng trường học đúng tiến độ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân" - ông Thái bày tỏ.
Kiên quyết thu hồi dự án đang "ôm đất"
Thông tin thêm về vấn đề tại cuộc họp báo, ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho biết hiện thành phố đang tiến hành rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn; đồng thời sẽ ra quyết định thu hồi đối với các dự án đang "ôm đất".
"Tháng 8 vừa qua, thành phố đã ban hành quyết định thu hồi 7 dự án, tổng diện tích 185ha. Đối với chủ đầu tư các khu đô thị, đặc biệt là có các ô đất trường học phục vụ cho lợi ích công cộng, xã hội, thành phố đã giao Sở Xây dựng rà soát nội dung này. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu rà soát và trên tinh thần nếu chủ đầu tư không thực hiện thì sẽ thu hồi để đầu tư công" - ông Dũng khẳng định.
Như Dân trí đã phản ánh, ngày 27-28/8 vừa qua, hàng trăm phụ huynh đã tham gia bốc thăm để giành suất cho con (lứa 3-4 tuổi) vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, năm học 2022-2023. Lý do phải tổ chức buổi bốc thăm nêu trên được chính quyền sở tại lý giải vì đây là tình huống bắt buộc phải làm và không còn cách nào khác.
Qua tìm hiểu, dù phải tổ chức bốc thăm để tuyển sinh trẻ 3-4 tuổi đi học trường mầm non công lập, nhưng nhiều ô đất được quy hoạch xây trường mầm non ở phường Hoàng Liệt (Hà Nội) lại bị bỏ hoang 20 năm, không được đầu tư.
Đáng chú ý, không chỉ ở quận Hoàng Mai, tình trạng hàng loạt khu đô thị chưa được chủ đầu tư xây dựng trường lớp đồng bộ với cơ sở hạ tầng còn xảy ra ở khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Điều này khiến chính quyền sở tại lo ngại sẽ quá tải trường học, gây áp lực cho ngành giáo dục.
Cụ thể, ở Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) có 23 ô đất quy hoạch để xây dựng trường học nhưng vẫn bị bỏ không.
Ở quận Hà Đông, 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị, gồm: Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (Khu đô thị Geleximco - PV), Khu đô thị mới Phú Lương, Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Văn Khê nhưng việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở, chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn. Vì thế, đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, vấn đề thiếu trường tại các khu đô thị không phải là điều mới mẻ. Vào năm 2019, câu chuyện này cũng đã được Ban Văn hóa - xã hội của HĐND TP Hà Nội chỉ rõ.
Ở giai đoạn này, hàng loạt khu đô thị bị đoàn giám sát nêu tên. Cụ thể: Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương - Viglacera, Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Đoàn ngoại giao, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế, Khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex 2, Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco Khu đô thị mới Vân Canh, Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu chức năng đô thị Ao Sào, Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu nhà ở Thạch Bàn, Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, Khu đô thị mới Việt Hưng…