Hà Nội sáp nhập nhiều sở, ngành: Bố trí, sắp xếp hàng ngàn cán bộ
(Dân trí) - Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức, trong đó có 2 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, 8 Thành ủy viên, 4 giám đốc sở và tương đương.
Thành ủy Hà Nội cho biết, trong thời gian tới thành phố tập trung cao độ việc chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Theo đó, trong tháng 12 này và đầu tháng 1/2025, Hà Nội sẽ hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm.
Dự kiến, Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức (chưa tính các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước).
Trong số này, có 58 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý gồm 2 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, 8 Thành ủy viên, 4 giám đốc sở và tương đương, 37 phó giám đốc sở và tương đương, 7 ủy viên thường vụ các Đảng bộ khối; 434 cán bộ cấp phòng gồm 155 trưởng phòng, 279 phó trưởng phòng và tương tương...
Thành ủy Hà Nội cho biết, việc tinh gọn bộ máy phải đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, cần giảm những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu các lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị của thành phố cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" và "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".
Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tư tưởng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động bị ảnh hưởng, theo Thành ủy Hà Nội.
Sáp nhập, giải thể nhiều sở, ngành
Theo thông tin mới nhất, Hà Nội sẽ thực hiện việc sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thành phố.
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố, Hà Nội sẽ thực hiện sáp nhập, giải thể một số sở và tương đương. Trong đó, hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.
Thành phố hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.
Bên cạnh đó, hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ; chuyển chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.
Đồng thời, chuyển Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ về Ban Dân tộc, thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo.
Thành phố cũng nghiên cứu, đề xuất phương án sắp xếp đối với các cơ quan báo chí, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND thành phố. Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.
Đối với các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy; các sở, ban, ngành thành phố; MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Hà Nội sẽ rà soát, tinh gọn, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với các quận, huyện, thị xã, Hà Nội nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo cấp ủy cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tương tự như ở thành phố.
Theo đó, thành phố sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận quận, huyện, thị ủy. Thành lập 2 Đảng bộ theo khối gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp huyện và Đảng bộ chính quyền cấp huyện.
Thành phố cũng hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ; chuyển một số chức năng, nhiệm vụ sang Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Y tế. Hợp nhất Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Kinh tế.
Đồng thời, rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.