1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội sắp có phố đi bộ mới, nhiều chi tiết gợi nhớ Giảng Võ trường

Hà Mỹ

(Dân trí) - Tuyến phố kinh doanh - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh dự kiến được quận Ba Đình (Hà Nội) hoàn thành, đưa vào hoạt động trong tháng 9 tới đây. Dự án sẽ có nhiều chi tiết gợi nhớ đến Giảng Võ trường.

UBND quận Ba Đình vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị để thực hiện đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận. Tuyến phố dự kiến được đưa vào hoạt động trước ngày 10/10 để kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. 

Dự án thuộc nhóm C loại công trình hạ tầng kỹ thuật, tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quận. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình.

Mục tiêu dự án là góp phần tăng cường năng lực tiêu thoát nước mưa, đảm bảo mỹ quan đô thị và góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Đồng thời, quận tạo thêm tuyến phố gắn với các dịch vụ khác phục vụ người dân, thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh doanh khu vực phát triển, tạo cảnh quan văn minh và không gian vui chơi… nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hà Nội sắp có phố đi bộ mới, nhiều chi tiết gợi nhớ Giảng Võ trường - 1

Tổng quan phối cảnh tuyến phố đi bộ hồ Ngọc Khánh nhìn từ trên cao (Ảnh: UBND quận Ba Đình).

Theo kế hoạch, vỉa hè quanh hồ Ngọc Khánh sẽ được lát đá granit tự nhiên, tạo thuận lợi để người dân kinh doanh dịch vụ, đi bộ, vui chơi giải trí.

Địa phương cũng trồng bổ sung cây xanh đảm bảo mật độ 5m/cây, bó bồn cây bằng đá tự nhiên, xây dựng ghế ngồi bằng nhựa giả gỗ ngoài trời hoặc đá tự nhiên, bổ sung dải cây xanh, vật kiến trúc trang trí.

Xung quanh tuyến phố được lắp đặt trang thiết bị đô thị như ghế ngồi, thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt đèn chiếu sáng đường dạo và cổng chào phố đi bộ.

Hà Nội sắp có phố đi bộ mới, nhiều chi tiết gợi nhớ Giảng Võ trường - 2

Vỉa hè của tuyến phố sẽ được lát đá granit tự nhiên, đây cũng là loại đá được sử dụng trong dự án cải tạo không gian xung quanh hồ Thiền Quang đang triển khai ở quận Hai Bà Trưng (Ảnh: UBND quận Ba Đình).

Điểm nhấn của dự án này là việc phục dựng lại một số chi tiết, biểu tượng gợi nhớ đến hình ảnh của Giảng Võ trường xưa kia. Trước đây, Giảng Võ trường là nơi tập luyện quân sự của triều đại Lý, Trần.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1010, nhà Lý cho lập điện Giảng Võ và đến năm 1070 lập Xạ đình. Tháng 8/1253, vua Trần Thái Tông lập Giảng Võ trường làm nơi học tập của các tướng lĩnh.

Từ đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long (bao gồm khu vực Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh) đã trở thành một trung tâm luyện tập, khảo hạch và diễn lập quân sự lớn. Nhiều cuộc luyện quân diễn võ quy mô lớn đã được tổ chức tại khu vực này.

Hà Nội sắp có phố đi bộ mới, nhiều chi tiết gợi nhớ Giảng Võ trường - 3

Điểm nhấn của dự án phố kinh doanh - đi bộ hồ Ngọc Khánh là nhiều chi tiết gợi nhớ lại Giảng Võ trường (Ảnh: UBND quận Ba Đình).

Năm 1481, vua Lê Thánh Tông xây dựng điện Giảng Võ với quy mô lớn ở đây. Mùa đông tháng 10, vua cho đào hồ Hải Trì quanh co đến 100 dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ để tập luyện điểm duyệt binh mã. 

Lúc này, toàn bộ các hoạt động đào tạo luyện tập và thao diễn quân sự được quy lại. Do đó, di tích điện Giảng Võ, sân điện Giảng Võ, các trường đấu võ, trường bắn... đều nằm trọn trong khu vực gọi chung là trường Giảng Võ.

Từ những năm 1960, việc nghiên cứu khu di tích trường Giảng Võ đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, bắt đầu từ những phát hiện lẻ tẻ hiện vật vũ khí tại trường Trung cấp Giao thông Cầu Giấy (nay là trường Đại học Giao thông vận tải).

Đến năm 1983, dưới hồ Ngọc Khánh, các nhà khảo cổ khai quật được một bộ sưu tập vũ khí bằng kim loại phong phú bậc nhất của thời trung đại, cho phép xác định khu vực này là trường Giảng Võ thời Lê.

Kết quả khảo cổ có 501 hiện vật, chủ yếu là vũ khí sắt đã được thu thập và xử lý. Các hiện vật đang được bảo quản tại Bảo tàng Hà Nội.

Nhằm phát huy nguồn lực sẵn có, được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình đã xây dựng phương án, tổ chức một không gian đi bộ xung quanh hồ Ngọc Khánh.

Với mong muốn gìn giữ giá trị lịch sử của vùng đất xưa, công tác cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, kiến trúc đô thị được quan tâm đến những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ trường xưa.

Hà Nội hiện có 5 tuyến phố đi bộ gồm: hồ Gươm và vùng phụ cận, Trịnh Công Sơn, Đảo ngọc Ngũ Xã, Trần Nhân Tông và Thành cổ Sơn Tây.

Theo kế hoạch, ngoài tuyến phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sắp được quận Ba Đình đưa vào hoạt động, Hà Nội sẽ có thêm hai tuyến phố đi bộ mới là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng Cầu - Hào Nam (quận Đống Đa).