1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội "quyết" dứt điểm vụ 130 hộ dân khiếu kiện suốt 16 năm

Thế Kha

(Dân trí) - Hà Nội giao liên ngành thống nhất phương án giải quyết khiếu nại của 130 hộ dân bị thu hồi hơn 30% đất nông nghiệp được giao để thực hiện dự án đề pô xe điện Nhổn-ga Hà Nội trong tháng 6/2022.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông tại cuộc họp xem xét giải quyết khiếu nại và các khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Thanh tra TP Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm có tờ trình liên ngành để giải quyết chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp để thực hiện dự án đề pô xe điện, đảm bảo thống nhất một chính sách để giải quyết dứt điểm khiếu kiện của các hộ dân.

Hà Nội quyết dứt điểm vụ 130 hộ dân khiếu kiện suốt 16 năm - 1

Ông Nguyễn Khắc Kiên và các hộ dân ở quận Bắc Từ Liêm bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp để thực hiện dự án đề pô đường sắt Nhổn-ga Hà Nội mỏi mòn khiếu kiện suốt 16 năm qua (Ảnh: K.K).

Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, sau khi UBND quận Bắc Từ Liêm rà soát lại thì thấy dự án xây dựng đề pô xe điện Nhổn- ga Hà Nội có 130 hộ gia đình ở quận Bắc Từ Liêm có tỷ lệ thu hồi đất nông nghiệp được giao hơn 30% (giảm 5 hộ so với báo cáo trước đây).

Trong đó, có 49 hộ gia đình có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ trong thời gian Nghị định số 17/2006 của Chính phủ có hiệu lực thi hành (trước thời điểm Nghị định 84/2007 có hiệu lực thi hành). Theo quy định, các hộ được xem xét giao đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp.

81 hộ gia đình còn lại có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ trong thời gian từ khi Nghị định số 84/2007 có hiệu lực thi hành đến trước ngày 1/1/2008. Theo quy định, các hộ được xem xét giao đất ở.

Tuy nhiên, UBND huyện Từ Liêm (trước đây, sau đó tách ra thành quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm) phê duyệt phương án hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp bằng 25.000 đồng/m2, không xét giao đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp cho 49 hộ là chưa phù hợp quy định tại Điều 4 Nghị định số 17/2006.

"UBND quận Bắc Từ Liêm cần rà soát, điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ theo đúng chính sách tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường"- Thanh tra TP Hà Nội nhận định.

Đối với 81 hộ gia đình, Thanh tra TP Hà Nội cho rằng việc UBND huyện Từ Liêm phê duyệt phương án hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp bằng 25.000 đồng/m2, không xem xét giao đất ở cho các hộ gia đình là chưa phù hợp quy định tại Điều 48 Nghị định 84/2007.

Thanh tra TP Hà Nội khẳng định, liên ngành của Hà Nội đã thống nhất hướng xử lý đối với 81 hộ gia đình nhưng chưa thống nhất đối với 49 hộ gia đình còn lại.

Chính vì vậy, sau cuộc họp nói trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã giao liên ngành phải thống nhất, báo cáo UBND TP Hà Nội hướng giải quyết ngay trong tháng 6/2022.

Ông Nguyễn Khắc Kiên (trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) - đại diện cho các hộ dân khiếu kiện suốt 16 năm qua - cho biết người dân địa phương đã quá mệt mỏi trước việc cơ quan, ban ngành "đá bóng" trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ việc.

"Mặc dù vụ việc đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhưng đến nay chúng tôi vẫn không biết bao giờ thì Hà Nội mới chốt được phương án cuối cùng về việc này, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân"- ông Kiên nói.