1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội quy hoạch 18 cầu vượt sông Hồng, 2 tuyến tàu điện một ray

Hà Mỹ

(Dân trí) - Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định xây dựng 18 cầu vượt sông Hồng, 14 tuyến đường sắt đô thị và 2 tuyến tàu điện một ray.

Ngày 9/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Nội sẽ có 13 tuyến cao tốc, 10 tuyến quốc lộ

Phát biểu đề dẫn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho ý kiến tham vấn đối với Quy hoạch Thủ đô.

Tính đến nay, các cơ quan đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, thẩm định xong 59/63 quy hoạch, phê duyệt 52/63 quy hoạch tỉnh, thành phố trong cả nước. 4 địa phương chưa lập xong quy hoạch gồm: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Riêng quy hoạch Hà Nội và TPHCM, ông Dũng cho biết yêu cầu thời gian vì tính chất phức tạp, quy mô lớn nên cần phải làm cẩn thận.

Hà Nội quy hoạch 18 cầu vượt sông Hồng, 2 tuyến tàu điện một ray - 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: UBND Hà Nội).

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, hồ sơ quy hoạch thủ đô đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên hội đồng thẩm định. Hệ thống báo cáo gần 1.200 trang gồm đề xuất sở, ngành, quận, huyện cùng báo cáo đánh giá của đơn vị cố vấn.

Trong đó, các chuyên gia, nhà khoa học và liên danh tư vấn đã nghiên cứu và xác định 5 trụ cột thủ đô gồm: văn hóa và di sản; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ tạo kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đối với mô hình thành phố thuộc thủ đô, ngoài 2 thành phố phía tây và phía bắc theo Nghị quyết 15, các chuyên gia cho rằng có thể nghiên cứu phát triển thành phố văn hóa, du lịch Sơn Tây, Ba Vì và phía nam (Phú Xuyên).

Chủ tịch Hà Nội mong muốn các chuyên gia đóng góp giải pháp hữu hiệu huy động nguồn lực để phát triển, nhất là nguồn lực mới, khơi thông nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng. 

Hà Nội quy hoạch 18 cầu vượt sông Hồng, 2 tuyến tàu điện một ray - 2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn các chuyên gia đóng góp giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn cho thủ đô (Ảnh: UBND Hà Nội).

Theo đại diện nhóm tư vấn, dự thảo Quy hoạch Thủ đô có định hướng phát triển Trung tâm tài chính Hoàn Kiếm giai đoạn đến năm 2030. Đây là nơi đặt trụ sở các tổ chức tài chính lớn với dịch vụ tài chính số làm trung tâm, hệ thống thông tin kết nối, hệ thống đăng ký, kết nối thông tin giao dịch...

Về mạng lưới giao thông, Quy hoạch Thủ đô xác định 13 tuyến đường bộ cao tốc, 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 168km và 38 tuyến đường tỉnh với 390km; cùng với đó là 14 bến xe khách, 8 bến xe tải.

Quy hoạch cũng xác định 18 cầu vượt sông Hồng, trong đó 6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư; dọc sông Đuống có 4 cầu đã được hình thành.

Ngoài ra, quy hoạch định hướng phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị, 2 tuyến tàu điện một ray (monorail) và 4 tuyến đường sắt quốc gia kết nối.

Hà Nội cần cơ chế đặc thù cho mô hình "đô thị nuôi đô thị"

Tham gia góp ý, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, chỉ ra nhiều điểm nghẽn của Hà Nội đang cần phải tháo gỡ.

Thứ nhất, thủ đô thiếu thể chế vượt trội. Theo ông Cường, Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua vẫn chưa đủ thể chế mạnh cho Hà Nội, theo đó cần phải xin cơ chế đặc thù bằng Nghị quyết Quốc hội. 

Thứ hai, hạ tầng thiếu đồng bộ. Trong đó, hạ tầng giao thông công cộng đặc biệt là đường sắt đô thị chưa phát triển. 

Thứ ba, ô nhiễm môi trường và các quy định khai thác dòng sông chưa phù hợp, đang làm mất đi lợi thế tự nhiên.

Cùng với đó, quy hoạch đô thị chậm đổi mới, quy chuẩn quy hoạch chưa theo khuynh hướng hiện đại. Năng lực quản lý còn hạn chế, chưa có động lực để nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, chưa tạo được đột phá trong quản lý để mở đường cho phát triển.

Hà Nội quy hoạch 18 cầu vượt sông Hồng, 2 tuyến tàu điện một ray - 3

Sơ đồ liên kết vùng thủ đô trong quy hoạch chung (Ảnh: VQH).

Cụ thể hơn, TS Cao Văn Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng với dân số khoảng 9 triệu người, hạ tầng đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của Hà Nội.

"Chưa có hệ thống giao thông ngầm là hạn chế rất lớn đối với thủ đô, nên cần làm rõ khả năng phát triển và khớp nối hạ tầng giao thông trong 10-15 năm tới, tính toán phương án vay và triển khai đồng bộ hay trình tự từng tuyến giao thông", chuyên gia đề xuất. 

Đồng thời, ông Sinh cũng đề nghị làm rõ thêm giải pháp về cách huy động nguồn lực, đột phá về tư duy, thể chế, hạ tầng ngoài một số được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Ở góc độ chuyên môn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Ngọc Khuê cho rằng Hà Nội cần chú trọng phát triển giao thông công cộng, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức và ý thức về sử dụng giao thông công cộng. 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đồng tình cho rằng phát triển giao thông kết nối là khâu đột phá trong quy hoạch thủ đô. Cùng với đó, nguồn lực để thực hiện quy hoạch là vô cùng quan trọng. Nếu chỉ dùng nguồn ngân sách thì chưa đủ, nguồn lực lớn nằm ở xã hội, cần phải huy động nguồn lực này vào cuộc.

Cùng với đó, Hà Nội cần tạo ra mô hình "đô thị trong đô thị" có sức lan tỏa đặc biệt, có khả năng thu hút đầu tư chất lượng cao, từ đó lấy mô hình "đô thị nuôi đô thị".

Từ đó, các chuyên gia đồng quan điểm việc hình thành thành phố trực thuộc thủ đô cần phải có cơ chế đặc thù mới có thể phát huy được, thậm chí số chính sách đặc thù phải tăng thêm tương đương hoặc nhiều hơn so với mô hình TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM hiện nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm