1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội kiến nghị sửa Luật PCCC sát với thực tại

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Hà Nội kiến nghị cần sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy sát với thực tiễn, thực trạng, tình hình phát triển của nền kinh tế - xã hội Việt Nam.

Chiều 19/4, tại hội nghị tăng cường công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội), cho biết, từ năm 2018 đến 14/3/2023, trên địa bàn Hà Nội xảy ra hơn 1.500 vụ cháy, nổ liên quan đến hệ thống điện làm 34 người chết, 62 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 180 tỷ đồng.

Cũng từ năm 2018 đến nay, Hà Nội đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy hơn 400 cơ sở. Qua đó, phát hiện và kiến nghị gần 900 tồn tại, thiếu sót; lập 160 biên bản xử phạt vi phạm hành chính; ban hành 160 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hàng tỷ đồng.

Từ những khó khăn, bất cập trên, Hà Nội kiến nghị cần sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy sát với thực tiễn, thực trạng, tình hình phát triển của nền kinh tế - xã hội Việt Nam. 

Đồng thời, quy định làm rõ trách nhiệm của các chủ cơ sở, chủ hộ gia đình phải tuân thủ pháp luật và tự chịu trách nhiệm trong việc đầu tư, xây dựng và quản lý khi công trình đi vào hoạt động.

Hà Nội kiến nghị sửa Luật PCCC sát với thực tại - 1

Vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy năm 2022 khiến 3 cảnh sát hy sinh (Ảnh: Nguyễn Trường)

Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Điện lực theo hướng quy định thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về biện pháp ngăn chặn ngừng cấp điện đối với các dự án, công trình đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động,…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn kiến nghị, trong khi chờ sửa đổi các văn bản pháp luật, cần có giải pháp linh hoạt nhằm khắc phục ngay về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện.

Ông Sơn cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về điện sau công tơ; các quy định về giảm, ngừng cấp điện đối với những công trình, dự án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần đề ra nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Địa bàn nào có nguy cơ cao thì lãnh đạo chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Sơn cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức tổng kiểm tra phòng cháy, chữa cháy theo từng nhóm. Người đứng đầu các đơn vị phải tổng kiểm tra địa bàn mình phụ trách, hướng dẫn các cơ sở khắc phục, xử lý vi phạm. 

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội cũng chỉ rõ chập điện, sự cố thiết bị điện là nguyên nhân gây ra một số vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng như: Cháy quán karaoke Isis (quận Cầu Giấy) ngày 1/8/2022 khiến 3 cảnh sát hy sinh; cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) ngày 4/4/2021 khiến 4 người thiệt mạng; cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) ngày 28/8/2019; cháy tại nhà xưởng ở phố Đại Linh (quận Nam Từ Liêm) ngày 12/4/2019 khiến 8 người thiệt mạng,…