1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Đề nghị chưa đục thông 127 vòm đường sắt dẫn lên cầu Long Biên

(Dân trí) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị chưa tiến hành phá thông các vòm đá dẫn lên cầu Long Biên. Theo đơn vị này, việc phá dỡ chỉ có thể thực hiện sau khi tiến hành kiểm định đánh giá khả năng chịu tải và có giải pháp gia cố phù hợp.

Ngành đường sắt đề nghị chưa phá các vòm đá dẫn lên cầu Long Biên (ảnh: Quang Phong)
Ngành đường sắt đề nghị chưa phá các vòm đá dẫn lên cầu Long Biên (ảnh: Quang Phong)

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, đại diện UBND TP Hà Nội mong muốn được chấp thuận cho đục thông 127 vòm cầu đường sắt từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) để cải tạo thành các không gian văn hóa. Dự kiến, việc cải tạo 127 vòm cầu này sẽ tạo ra diện tích là 3.600 m2. Tổng mức đầu tư chưa đến 100 tỷ đồng, do đơn vị tư nhân đầu tư.

Hà Nội cho biết,127 vòm cầu đường sắt ở chân đế của bờ trụ bê tông đỡ ray đường sắt cho tàu di chuyển từ ga Hà Nội - ga Đầu Cầu (ga Long Biên) được xây dựng từ thời Pháp. Trước đây các vòm cầu này rỗng, nhưng sau đó do tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự tại khu vực, nên thành phố Hà Nội đã cho xây bịt kín.

Trước đề xuất về việc sử dụng các vòm đá dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng chưa nên tiến hành phá thông các vòm cầu.

Ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên thuộc khu gian Hà Nội - Gia Lâm tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được xây dựng và đưa vào khai thác vào năm 1902 cùng với cầu Long Biên, tổng số có 127 vòm dẫn cùng 4 cầu dẫn chạy dọc song song các phố Phùng Hưng, phố Gầm Cầu đến cầu Long Biên.

Trải qua quá trình khai thác hơn 100 năm, các vòm dẫn đá xây bị phong hoá, xuất hiện các vết nứt trên đỉnh và thân vòm có nguy cơ đe doạ an toàn chạy tàu. Vì vậy trong thời gian từ năm 1969 đến năm 1983, ngành đường sắt đã tiến hành chồng nề bên trong đỡ dưới vòm dẫn và gia cố xây bịt 125/127 vòm đá (trừ hai vòm đã được gia cố bằng bê tông đang để thông tại khu vực ngõ Hàng Hương và phố Nguyễn Thiệp) nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu cho đến nay.

Về việc khai thác sử dụng các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất với việc vẽ tranh bích hoạ để trang trí 26 vòm cầu (giai đoạn 1) theo đề xuất của UBND TP Hà Nội đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu công trình để góp phần chỉnh trang đô thị.

Tổng Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị của thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện để đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn công trình đường sắt. Tuy nhiên, căn cứ trạng thái kỹ thuật công trình nêu trên, đề nghị chưa tiến hành phá thông các vòm cầu” - ông Hưng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, việc phá dỡ chỉ có thể thực hiện sau khi tiến hành kiểm định đánh giá khả năng chịu tải và có giải pháp gia cố phù hợp.

Châu Như Quỳnh