1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng "khơi thông" ùn tắc

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng để giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Kinh phí đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra sáng 10/12, các đại biểu HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, trong 91 đại biểu tham gia biểu quyết thì có 90 đại biểu tán thành, một đại biểu để phiếu trắng, đạt tỷ lệ 94,74%.

Hà Nội đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng khơi thông ùn tắc - 1

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ đầu tư hơn 1.800 tỷ để giảm ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố (Ảnh minh họa).

Theo chương trình mục tiêu này, tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 là 1.865 tỷ đồng, được phân bổ theo từng năm.

Cụ thể, năm 2021 đầu tư kinh phí khoảng 335 tỷ đồng đã được UBND thành phố bố trí thực hiện. Năm 2022 đầu tư khoảng 343 tỷ đồng; năm 2023 đầu tư 402 tỷ đồng; năm 2024 đầu tư 426 tỷ đồng và năm 2025 đầu tư 359 tỷ đồng bằng nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Thông tin thêm về kết quả thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP Hà Nội cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Hà Nội đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng khơi thông ùn tắc - 2

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội Vũ Văn Viện trình bày tờ trình tại kỳ họp sáng 10/12 (Ảnh: Lê Hải).

Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã xử lý được 67 điểm ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí.

Bên cạnh các kết quả đạt được, thành phố cho biết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu đề ra; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, chưa kiên quyết. Đặc biệt, ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp….

Từ yêu cầu thực tiễn, thành phố xác định cần thiết phải tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.

Trong 5 năm tới, thành phố đặt ra 10 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó sẽ rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố; tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô; xây dựng kế hoạch thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu các giải pháp điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, cải tạo hạ tầng; lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu, chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận; mở rộng và nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; đưa vào vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị, mở mới 50 tuyến xe buýt…