Cấm xe máy vào nội đô - Lời giải bất khả thi cho một bài toán khó?
(Dân trí) - Cấm xe máy vào nội đô từ 2025 là "bài toán khó" khi mạng lưới giao thông công cộng chưa thuận tiện, người dân vẫn còn quá phụ thuộc vào xe máy. Nếu không quyết tâm việc này sẽ chỉ là "hô khẩu hiệu".
UBND TP Hà Nội vừa gửi tới HĐND cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, những năm tới thành phố tiếp tục nghiên cứu để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận.
Việc hạn chế hoạt động xe máy là một trong những nội dung của Nghị quyết 04 đã được HĐND TP thông qua năm 2017. Sau khi Nghị quyết này được thông qua, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5. Dự kiến sau năm 2030, Hà Nội dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, và bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Cấm xe máy sau năm 2025 liệu có gấp gáp?
Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) cho rằng, việc cấm xe máy vào nội đô sau năm 2025 nhằm giảm phương tiện cá nhân đã được Hà Nội dự kiến từ nhiều năm. Tuy nhiên, để triển khai, chính quyền thủ đô sẽ phải đối mặt với hàng loạt "bài toán khó".
Trước hết, hiện nay Hà Nội chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân bằng các loại phương tiện công cộng. Ông Bình cho rằng, sau năm 2025, nếu thành phố chỉ dựa vào 2 tuyến đường sắt đô thị để lên phương án cấm xe máy thì chưa thuyết phục.
Cụ thể, các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, hay metro Nhổn - ga Hà Nội (nếu đi vào hoạt động) cũng chỉ đáp ứng được từ 10 - 14% nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Trong khi xe máy hiện đang đảm nhận trên 70% nhu cầu đi lại của người dân, số ít còn lại dành cho xe buýt và ô tô con.
Hiện 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Metro Nhổn - ga Hà Nội có hướng di chuyển ở phía Tây và Tây Nam của thành phố, trong khi nhu cầu đi lại của người dân không chỉ bó hẹp bởi 2 hướng này.
Ông Bình nhận định, Hà Nội có hệ thống xe buýt khá phát triển, mạng lưới xe buýt tương đối phủ dày, khoảng 10 - 15 phút/chuyến. Tuy nhiên, nếu yêu cầu toàn bộ người dân dừng hẳn xe máy để chuyển sang đi xe buýt, mà tại các điểm không có tàu điện, thì chắc chắn hệ thống xe buýt sẽ bị "quá tải". Từ đó, người dân sẽ chọn đi xe ô tô cá nhân thay vì cân nhắc chọn đi các loại phương tiện công cộng khác.
Tình hình ùn tắc giao thông của Hà Nội cũng có một phần đến từ quá trình "ô tô hóa", khi người dân chuyển từ việc đi xe máy sang dùng ô tô quá nhanh. Ông Bình đưa ví dụ, trong một số trường hợp đường nội thành bị ùn tắc, số lượng ô tô đã chiếm phần lớn diện tích mặt đường, nếu chúng ta cấm hẳn xe máy thì rất dễ dẫn đến việc tăng đột biến số lượng ô tô, và sẽ không giải quyết được câu chuyện giảm ùn tắc.
Phương án được chuyên gia đề xuất đó là, trong thời gian tới Hà Nội cần nâng cao chất lượng các loại phương tiện giao thông công cộng. Trong đó, cần triển khai thêm các tuyến xe buýt có làn đi riêng, và đẩy nhanh tiến độ việc xây dựng tuyến đường sắt Tây Hồ Tây - Trần Hưng Đạo, để xây dựng mạng lưới giao thông công cộng phát triển, phục vụ nhu cầu đi lại cao của người dân. Khi đó, người dân sẽ thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bỏ dần phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông.
Ông Bình cho rằng, hiện nay lực cản lớn nhất trong việc cấm xe máy sau năm 2025 đó là việc người dân phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân, khi người dân không thích phải đi bộ đến các điểm chờ giao thông công cộng. Chính vì vậy, lộ trình tới cuối năm 2025 cấm xe máy sẽ là quá gấp gáp, khó thực hiện.
Cấm xe máy là xu hướng của thành phố văn minh
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đánh giá việc cấm xe máy vào nội đô là xu hướng của xã hội văn minh, thành phố văn minh. Tuy nhiên, thành phố và người dân phải quyết tâm rất cao cùng các điều kiện kèm theo, nếu không phương án này sẽ chỉ dừng lại ở việc "hô khẩu hiệu".
"Những năm tới, Hà Nội cần dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe buýt để đến năm 2025 có thể từng bước cấm xe máy, vì hiện Hà Nội đang trong tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, mà một trong những lý do ùn tắc là do sức ép của các phương tiện xe máy", ông Liên nêu quan điểm.
Tuy nhiên, sau khi cấm xe máy, người dân thành phố sẽ đi lại bằng gì? "Đây là câu hỏi mà tôi đã đặt ra trong một hội thảo cách đây 4 năm, tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Đầu tiên, người dân phải được đảm bảo việc đi lại bằng các loại phương tiện giao thông công cộng, bao gồm cả việc đi trên cao, dưới đất... vì lúc này trên mặt đất đã rất chật chội. Việc đi lại dưới lòng đất bằng tàu điện ngầm, đó là phương án mà ở đô thị các nước phát triển họ đã làm và thành công", ông Liên chia sẻ.
Ông Liên lấy ví dụ, như Singapore, họ có một hệ thống giao thông công cộng rất phát triển, mạng lưới xe buýt phủ dày với tần suất 2 phút/chuyến. Việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng ở các thành phố lớn, một phần cũng tạo ra nếp sinh hoạt cho người dân bằng việc đi bộ. Khảo sát như bên Nhật, vào các giờ cao điểm, người dân đi bộ rất đông, nhưng giao thông trên mặt đường lại không hề bị ùn ứ, bởi chỉ một lúc sau là họ lại di chuyển để đi tàu điện ngầm.
Chuyên gia cho rằng, trước hết để cấm dần xe máy, thành phố cần phải giải phóng được mặt bằng, di dời dân cư ra khỏi nội thành, xây dựng các kế hoạch giãn dân. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, quy hoạch phải đi trước một bước. Đơn cử như tại các con phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, trước đó được quy hoạch rất tốt, tại đây hầu như ít xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Để giải quyết các vấn đề trên, thành phố cũng cần có một nguồn kinh phí lớn để nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh này, nguồn kinh phí để phục vụ công tác chống dịch cũng đã tiêu tốn một khoản không hề nhỏ. Chính vì vậy, phương án cấm xe máy sau năm 2025 sẽ là khó thực hiện.
Theo ông Liên, một vấn đề quan trọng khác đó là chính quyền cần tích cực trong việc tuyên truyền, cho người dân quen dần trong việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, giúp người dân tạo thói quen đi bộ đến các điểm dừng đón xe buýt, tàu điện. Khi người dân được đáp ứng nhu cầu đi lại bằng các phương tiện đó thì phương án cấm xe máy vào nội thành mới khả thi.